Nguyễn Thanh Sơn
-
Khi giáo sư Klaus Schwab, chủ tịch của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, hỏi cảm giác của bà sau hai mươi bốn năm, lần đầu tiên lại ngồi trên máy bay rời khỏi Miến Điện, Aung San Suu Kyi, hay “Daw Suu” như người ta gọi bà tại Hội nghị Thượng đỉnh về Đông Á của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cười và kể “khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Suvarnabhumi, cơ trưởng có nhã ý mời tôi tới ngồi ở buồng lái. Và tôi bị choáng ngợp bởi ánh sáng phát ra từ sân bay thủ đô Bangkok.
Các bạn cũng biết tôi tới từ Miến Điện, nơi điện vẫn bị cắt luân phiên, và hàng ngày vẫn có các cuộc biểu tình để phản đối cắt điện, cho nên khung cảnh về ánh sáng ở đây để lại cho tôi ấn tượng thế nào. Hai mươi bốn năm trước, tôi từng hạ cánh ở các sân bay như London hay New York, nhưng Bangkok vào những năm đó không có khác gì với Miến Điện bây giờ. Và tôi nghĩ…trời ạ, Miến Điện cần phải có một chính sách năng lượng mới!”-
Khi giáo sư Klaus Schwab, chủ tịch của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, hỏi cảm giác của bà sau hai mươi bốn năm, lần đầu tiên lại ngồi trên máy bay rời khỏi Miến Điện, Aung San Suu Kyi, hay “Daw Suu” như người ta gọi bà tại Hội nghị Thượng đỉnh về Đông Á của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cười và kể “khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Suvarnabhumi, cơ trưởng có nhã ý mời tôi tới ngồi ở buồng lái. Và tôi bị choáng ngợp bởi ánh sáng phát ra từ sân bay thủ đô Bangkok.
Cử tọa cười ồ lên tán đồng! Daw Suu là vậy, luôn luôn suy nghĩ về tương lai, luôn luôn suy nghĩ về hành động, luôn luôn suy nghĩ về “nhiệm vụ” của người lãnh đạo. (“Ngay từ nhỏ” - bà kể - “mẹ tôi đã dạy rằng, tôi phải đặt nhiệm vụ của mình lên trên tất cả, bởi một con người sống không có trách nhiệm thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Tôi phải thừa nhận, trong cả cuộc đời của mình, không phải lúc nào tôi cũng đặt trách nhiệm của mình lên trên tất cả, nhưng tôi luôn luôn cố gắng”). Mặc dù có tới bốn thủ tướng của các quốc gia Đông Nam Á tham dự hội nghị, nhưng tâm điểm của Hội nghị không phải là họ, mà là người phụ nữ khả ái, giản dị, gầy gò, người có giọng nói nhỏ nhẹ nhưng toát lên một trí tuệ sâu sắc và hóm hỉnh này. Suốt 24 năm, chính quyền độc tài quân sự tại Miến Điện cố gắng cách ly bà với thế giới bên ngoài, nhưng không ai trong số các đại biểu ở Diễn đàn này lại có cảm giác bà có một chút “lạc hậu” nào với thế giới. Cứ như bà vừa bước ra từ một Diễn đàn quốc tế khác, và hội nghị này chỉ là một trong nhiều cuộc thảo luận quốc tế mà bà đã tham gia.
Điều gì làm ta có cảm giác đó? Có lẽ, đầu tiên là sự vị tha của Aung San Suu Kyi. Trong suốt thời gian hội nghị, bà không đề cập đến hai mươi tư năm giam lỏng của bà, cũng như những gì Miến Điện đã bị tước bỏ dưới chính quyền độc tài quân sự. “Điều đầu tiên chúng tôi cần là hòa giải dân tộc, một trong những vấn đề phức tạp nhất vì Miến Điện là nước có nhiều dân tộc khác nhau. Hòa giải dân tộc chỉ có thể đạt được trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, dựa trên nền tảng là lòng tin và cách tiếp cận vấn đề một cách ôn hòa” - bà chia sẻ. Là con người của hành động, Aung San Suu Kyi là người rất thực tế và bà không che giấu điều đó “Người ta nói quá trình dân chủ hóa và cải cách ở Miến Điện là không thể đảo ngược” - bà tiếp tục - “Tôi nghĩ, để nó không thể đảo ngược được, chúng tôi cần xây dựng một nền tảng vững chắc, và giáo dục chính là nền tảng đó. Tôi là người thực tế, nên tôi tiếp cận vấn đề giáo dục một cách thực tế. Chúng tôi không cần thứ giáo dục đại học đào tạo ra các thạc sĩ quản trị kinh doanh hay tiến sĩ, những người sẽ thỏa mãn cho cái “danh vị quốc gia” mà chính quyền mong muốn. Tôi muốn nói đến giáo dục cơ bản nhất, thứ giáo dục đem lại cho thanh niên Miến Điện cơ hội được làm việc, có một khoản thu nhập đủ sống, bởi vì vấn đề thất nghiệp trong thanh niên Miến Điện hiện nay đang là một quả bom nổ chậm nguy hiểm nhất. Tôi kêu gọi các nhà đầu tư hãy quan tâm đến các trường đào tạo nghề. Hãy xem từ khi mở cửa, dòng người du lịch nước ngoài đã đổ về Miến Điện, trong khi thanh niên của chúng tôi không được đào tạo để phục vụ khách du lịch, và điều đó đã làm cả hệ thống của chúng tôi quá tải.”
Dù có ảnh hưởng chính trị (và đạo đức) to lớn đối với cử tọa, Aung San Suu Kyi thừa hiểu bà đang nói chuyện với cộng đồng những nhà đầu tư quốc tế, những người luôn luôn đặt quyền lợi của họ lên trước quyền lợi của Tổ quốc bà. Bà cảnh báo “Miến Điện không muốn bị áp đặt mô hình phát triển, dù chúng tôi cũng không muốn bị bỏ lại phía sau. Chúng tôi cần đầu tư, nhưng chúng tôi không cần thứ đầu tư sẽ đào sâu thêm hố ngăn cách giàu nghèo, cản trở người dân tiếp cận những lợi ích của cuộc cải cách. Tham nhũng sẽ đi liền với đầu tư, nên trước tiên, chúng ta phải quan tâm đến cải cách hệ thống pháp luật. Không phải thứ luật pháp sinh ra để dành quyền lợi cho một nhóm người, nên đừng chỉ suy nghĩ về luật đầu tư nước ngoài. Miến Điện đã có rất nhiều luật, nhưng nếu không cải cách những điều luật căn bản nhất thì dù Luật đầu tư nước ngoài có ưu đãi quí vị đến đâu, cuối cùng các vị cũng sẽ gặp rất nhiều vấn đề ở khâu thực hiện”
Không phải bàn cãi, Aung San Suu Kyi có ảnh hưởng to lớn tại Hội nghị này. Những phát biểu của bà được đưa ra làm tiền đề cho các cuộc thảo luận nhóm, cho các ý kiến phản biện và tranh luận trên các diễn đàn, nhưng trên hết, từ bà toát ra ảnh hưởng của một thứ “quyền lực mềm” của một lãnh tụ phong trào dân chủ thực sự: quyền lực của sự tha thứ, trí tuệ và đầu óc thực tế. Bà tự cho mình là một người “lạc quan một cách thận trọng” và kêu gọi các đại biểu cần tránh “lạc quan một cách vô trách nhiệm” với tương lai của Miến Điện, nhưng tất cả những người tôi gặp đều tràn đầy hi vọng khi nói về Miến Điện và tương lai dân chủ của đất nước này, niềm hi vọng được họ đặt chủ yếu trên đôi vai mảnh khảnh của Aung San Suu Kyi.
Theo: Facebook
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét