1/6/12

Pháp luật ở xứ Thiên đường


Phan Tất
-
Phan Tất gửi cho Chủ tịch [Tức nhà báo Phan Thế Hải] bài viết này. Thực ra thì chuyện luật liếc ở xứ Thiên đường ta cứ như một câu chuyện đùa giai. Luật đã được dự thảo, rồi đưa ra “làm văn tập thể” ở Quốc hội, thông qua từng điều ra vẻ rất dân chủ, văn minh vãi.


Ty nhiên, khi cần thiết, Tiệc ta với tư cách là cơ quan thống trị, sẵn sàng bác bỏ mọi điều nếu như thấy không phù hợp với nghị quyết. Tỷ như chuyện đưa uỷ ban phòng chống tham nhũng về Bộ chính trị. Theo Luật thì Uỷ ban này phải trực thuộc Thủ tướng, nhưng khi anh Trọng thấy cần thiết phải nắm lấy để thể hiện vai trò quyền lực thì bác ngay điều này… vươn vươn…

Sau đây xin được giới thiệu toàn văn bài viết của Phan Tất để bạn đọc suy ngẫm.

Phan Thế Hải

Cứ một năm hai kì, mỗi kì kéo dài khoảng một tháng, Quốc hội (QH) nước ta lại họp. Là cơ quan quyền lực cao nhất nước, QH họp để bàn đến nhiều việc trọng đại về quốc kế dân sinh trong đó việc thông qua, sửa đổi, bổ sung pháp luật thường chiếm một thời lượng khá lớn. Trước thềm của kì họp này, qua dư luận về ý kiến nguyện vọng của cử tri cả nước cho thấy: nhân dân đang rất băn khoăn lo lắng về suy thoái kinh tế, sản xuất đình trệ, sụt giảm, đời sống khó khăn, khiếu kiện đất đai gay gắt, các giải pháp giao thông bế tắc, tham nhũng tràn lan...
Đặt niềm tin vào những quyết định của QH là tâm nguyện chính đáng của một công dân Nhà nước pháp quyền. Nhưng rồi tôi cứ có những trăn trở băn khoăn: pháp luật của ta có nhiều điểm còn chưa thật cụ thể, chồng chéo, bất ổn mà ta cứ loay hoay bổ sung sửa đổi thì thật là khó. Ví như ta có một ngôi nhà đã quá cũ, cứ cải tạo sửa chữa hoài, có khi cũng không khang trang vững chãi lên được mà còn kém hiệu quả hơn là làm mới lại từ đầu. Như chuyện mới tăng lương từ 01/5/2012 nay có đại biểu QH lại phát biểu ý là: lương hiện tại chỉ đủ 60% yêu cầu của đời sống người lao động, cần phải điều chỉnh tiếp. Rồi phụ nữ 55 tuổi về hưu là quá sớm, nói như vậy là có phần coi nhẹ thiên chức của người phụ nữ Việt Nam, không nhìn đến những nữ lao động việc nhà, việc nước vất vả, khi ngoài 50 tuổi đã mệt mỏi, mong từng ngày để được nghỉ hưu. Được nghỉ, người phụ nữ có thêm điều kiện chăm sóc sức khỏe, ổn định cuộc sống gia đình cũng là đóng góp lớn cho việc ổn định xã hội. Rồi bao chuyện quẩn quanh trong giáo dục, tái cơ cấu đầu tư, bình ổn giá...

Tôi còn nhớ trước đây trong một kì họp QH, khi bàn về chuyện xử án ở nước ta còn lắm oan sai, có một vị đại biểu QH phát biểu là: “Pháp luật nước ta xử thế nào cũng được!”.

Nhìn lại những vụ khiếu kiện về đất đai trong thời gian gần đây như chuyện cưỡng chế thu hồi đất của 5 hộ dân phường Liễu Giai (Hà Nội) năm 2011, vụ đầm tôm của ông Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng), tăm tiếng, bức xúc đến mức Thủ tướng Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo điều trần. Rồi mới đâylà vụ cưỡng chế 166 hộ dân để thu hồi 5,72 ha đất ở Văn Giang (Hưng Yên) – người dân không những mất đất đai, tài sản, quyền lợi mà còn phải rơi vào vòng lao lí...

Một nhà báo viết: "Tôi hỏi một vị đại biểu QH: chất lượng các bộ luật của Việt Nam thế nào? Vị ấy đáp: nhiều chuyện phải bàn lắm. Lại hỏi: vậy luật nào đã sửa nhiều nhất mà nay vẫn còn phải sửa tiếp? Lại đáp: thứ đó thì nhiều, ví như Luật Đất đai được ban hành mới 3 lần (1987, 1993, 2003) và đã sửa đổi hai lần (1998, 2001) nay đang sửa tiếp. Rồi Luật Khiếu nại tố cáo 8 năm đã có 6 lần sửa đổi, bổ sung.

Những luật sát sườn với cuộc sống của người dân mà nham nhở như vậy thì người dân phải chết tức tưởi là chuyện không có gì lạ!

Nhiều luật sư đã phân tích: Luật Đất đai hiện hành là rất thiếu luận cứ khoa học, thiếu tính hài hòa xác định quyền sở hữu đất đai, không phù hợp với thực tiễn và là mảnh đất vô cùng màu mỡ để tham nhũng hoành hành tràn lan”.

Nghe và thấy như vậy, nên tôi cứ nghĩ cách làm luật của ta là chưa được ở chỗ: bộ phận quân sư chưa thật “chí công vô tư”, chưa giỏi trong lĩnh vực mà họ chấp bút vì không nắm bắt được quy luật phát triển, thiếu sâu sát, am hiểu để dự đoán được những biến động của đời sống kinh tế - xã hội. Bộ phận được nghe, người duyệt thiếu tinh thông tường tận, cứ dựa vào nhau, coi sự thống nhất ở nghị trường là dân chủ sáng suốt mà không nghĩ rằng: dân chủ chính là phải từ yêu cầu của người dân, vì lợi ích cộng đồng, chứ không phải theo lối luật khung, thiếu chi tiết, nặng về câu chữ, kiểu “làm văn tập thể” rồi biểu quyết với 90-95% ý kiến nhất trí. Ví như Luật Giáo dục thì phải mời các chuyên gia, giáo sư, luật sư giỏi đầu ngành để bàn, để quyết. “Bác” giao thông, “bác” ngoại thương, “bác” doanh nghiệp thì chỉ nên tham gia có mức độ, nghe để biết thôi. Bởi đại biểu QH thường là những người điển hình ưu tú trong những lĩnh vực khác nhau, nhưng không phải việc gì họ cũng am hiểu tường tận.

Nhìn vào lịch sử thấy ông cha ta cũng đã từng dựng nước và giữ nước bằng nhiều sách lược, pháp luật. Đã có những bộ luật thành quốc sách trị nước an dân như Bộ luật Hồng Đức thời hậu Lê (1428-1527). Lê Lợi, Quang Trung từ áo vải, cờ đào trở thành những vị vua anh minh, lập nên nghiệp lớn là nhờ biết chọn được Quốc sách Bình Ngô, biết tôn vinh Nguyễn Trãi, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp làm quân sư.

Ở nhiều nước tiên tiến Hiến pháp, pháp luật của họ ban hành hàng mấy chục năm, có khi cả hàng trăm năm mà vẫn nguyên giá trị, rất ít thay đổi. Ở ta, ngày nay luật pháp ban hành có nhiều điều chưa kịp áp dụng đã phải sửa đổi. Sửa đổi là sự cầu thị, là mặt tốt nhưng nếu cứ coi chuyện tích cực sửa đổi là việc làm bình thường, liên tục thì có khi thành nguy hại!

Thực trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư cũng nên chấm dứt. Luật càng cụ thể, chi tiết thì cơ quan thi hành luật, người dân càng dễ nắm bắt, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ vận hành và giám sát.

“Sống làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật” là nghĩa vụ, quyền lợi, là mục tiêu cao đẹp của mỗi công dân Nhà nước pháp quyền. Đã đến lúc việc làm luật của ta nên như thế nào phải thành một mục quan trọng mà QH đặt lên bàn nghị sự.

Phan Tất

90, Võ Thị Sáu - TP. Vinh - Nghệ An. Tel: 0912387344

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More