8/6/12

Sửa luật Đất đai: Dân đang trông đợi từng ngày, từng giờ


Luật Đất đai, cần được sửa đổi là điều cần thiết, nhưng sửa đồi thế nào để người dân thực sự canh tác yên tâm làm ăn, được bảo vệ công bằng có như thế thì mới có ổn định xã hội. Những phe nhóm cán bộ chiếm đặc quyền đặc lợi trong vấn đề đất sẽ là ngòi nổ đấu tranh của nông dân .....LCST



Gần như 100% ĐBQH khi phát biểu thảo luận tại nghị trường chiều qua 1.6, về dự kiến điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và kế hoạch năm 2013 đều không tán thành việc lùi thời hạn sửa đổi luật Đất đai đến kỳ họp thứ 5, vì cho rằng đây là lĩnh vực đang phát sinh nhiều vụ khiếu kiện, cần sửa đổi sớm để giải quyết những bức xúc của người dân.

Không thể trì hoãnTheo Tờ trình của Ủy ban TVQH, dự án luật Đất đai (sửa đổi) thuộc Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, đang được nhân dân cả nước quan tâm. Mặc dù Ủy ban TVQH tán thành đề nghị của Chính phủ lùi thời gian trình QH cho ý kiến về dự án luật sửa đổi sang kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6, nhưng đề nghị này không được sự hưởng ứng của các ĐBQH.
ĐB Trương Trọng Nghĩa tại nghị trường
ĐB Trương Trọng Nghĩa tại nghị trường - Ảnh: Ngọc Thắng
Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Võ Thị Dung cho rằng: “Nhân dân cả nước trông đợi từng ngày từng giờ để QH xem xét sửa đổi luật này, vì vậy tôi khẩn thiết đề nghị QH cần chỉ đạo để các bộ ngành, ban soạn thảo, và đặc biệt là Chính phủ khẩn trương đưa vào chương trình xây dựng luật sớm, đáp ứng đòi hỏi bức thiết cũng như giải quyết được những bức xúc của dân trong lĩnh vực này”.


Nên ban hành sớm luật Biểu tình
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng luật Biểu tình chưa có tiền lệ nên cần đưa vào chương trình chuẩn bị của năm 2013 để nghiên cứu, soạn thảo.
Theo ông Nghĩa, cần có luật Biểu tình, có hành lang pháp lý cho quyền công dân, đồng thời có chuẩn mực và cơ sở pháp lý cho việc quản lý nhà nước. Việc ban hành luật Biểu tình sớm, theo ông Nghĩa, còn tránh được việc kẻ xấu muốn lợi dụng xúi bẩy người dân có những hành vi phản cảm. “Nếu có luật Biểu tình, việc biểu tình sẽ đi vào nền nếp, nhiều ngòi nổ sẽ được tháo bỏ trước khi xảy ra những sự việc nghiêm trọng, lúc đó các vụ biểu tình sẽ diễn ra đúng luật và giảm bớt”, ĐB này khẳng định.

ĐB Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) phân tích thêm: Lý do lùi thời hạn vì phải chờ sửa đổi Hiến pháp 1992 là chưa thuyết phục, vì sửa đổi Hiến pháp trong đó có nội dung sửa đổi về đất đai thì đã có định hướng rõ ràng của T.Ư tại Hội nghị lần thứ 5 vừa qua. Nếu chờ đến khi hoàn thiện sửa đổi Hiến pháp theo lộ trình năm 2013, thông qua vào cuối năm rồi đến 2014 mới thực hiện được thì quá chậm.
Lùi thời hạn để đảm bảo luật có chất lượng
Trước hối thúc của các ĐBQH sớm sửa luật Đất đai, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lý giải nguyên nhân lùi thời hạn sửa đổi xuất phát từ chỉ đạo của BCH T.Ư tại Hội nghị T.Ư 5 vừa qua.
Theo Phó thủ tướng, T.Ư đã ra kết luận về 8 vấn đề trong việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai, bao gồm quyền sở hữu đất đai, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, mở rộng hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xử lý khiếu nại tố cáo trong quá trình thu hồi đất và CCHC. “Tuy nhiên, T.Ư thấy đất đai là vấn đề hết sức phức tạp, cần xem xét hết sức thận trọng nên đã giao Chính phủ tiếp tục làm rõ một số nội dung để trình Hội nghị T.Ư 6 vào tháng 10 tới, trên cơ sở đó, sẽ ra NQ định hướng những vấn đề sửa đổi luật, vấn đề cần làm rõ như là giá đất, vấn đề thu hồi đất đền bù giải phóng mặt bằng...”, Phó thủ tướng cho biết.
Cũng theo Phó thủ tướng, nếu sửa luật Đất đai tại kỳ họp cuối năm thì: “Tôi rất lo những vấn đề hết sức phức tạp vừa báo cáo mà xử lý chưa đủ thời gian, chưa đủ chín thì chất lượng luật không đảm bảo”.

Cần có luật để bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ
Tôi xin kiến nghị đưa vào chương trình của toàn nhiệm kỳ QH khóa XIII dự luật về Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền và lợi ích quốc gia.
Toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền và lợi ích quốc gia Việt Nam gần đây bị đe dọa, tình hình có những lúc rất nóng, mối đe dọa này đang tiếp tục diễn ra. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần khẳng định không thể hy sinh một tấc đất, lợi ích và chủ quyền quốc gia đặt lên trên hết. Muốn bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích và chủ quyền quốc gia, chúng ta cần phải có yếu tố bên trong hoặc bên ngoài, cần cả sức mạnh vật chất, tinh thần, cần đấu tranh cả trên các mặt chính trị, ngoại giao, pháp lý và quân sự. Nhưng sự thống nhất về ý chí và hành động của toàn dân, của mọi tổ chức, mọi cá nhân, trong mọi lĩnh vực là yếu tố xuyên suốt và quyết định.
Luật này sẽ tạo ra khung pháp lý chuẩn mực cho hành động để tạo sự thống nhất, mọi hành vi xâm hại toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích và chủ quyền quốc gia sẽ bị nghiêm trị.
(ĐB Trương Trọng Nghĩa - TP.HCM)
Bảo Cầm

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More