6/6/12


Kết quả phát triển nông nghiệp 5 năm qua


Nông dân Bắc Giang trên mảnh đất mưu sinh của gia đình. Ảnh chụp hôm 14/2/2012.
Gia Minh

Quốc hội Việt Nam hôm qua dành cả ngày làm việc để thảo luận chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong 5 năm qua.

Tuy nhiên theo đánh giá thì còn nhiều hạn chế và yếu kém trong công tác này. Đời sống người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn vô vàn khó khăn.
Giáo sư Tô Duy Hợp, nguyên trưởng phòng Xã hội học Nông thôn, Viện Xã hội học thuộc Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam cũng có những nhận định tương tự phát biểu trong báo cáo giám sát của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội, trong cuộc nói chuyện với biên tập viên Gia Minh.

Không bảo vệ lợi ích nông dân

Trước hết đối với câu hỏi về chủ trương công nghiệp hóa- hiện đại hóa của Đảng khiến cho mảng nông nghiệp bị coi nhẹ, giáo sư Tô Duy Hợp cho biết:

Công nghiệp hóa- hiện đại hóa làm chết nông dân đến nơi, chứ công nghiệp hóa- hiện đại hóa gì! Mình không bàn đến qui luật khách quan và khuynh hướng chung toàn nhân loại. Đó là xu thế chung của toàn nhân loại. Lý do Việt Nam bị chậm trong tiến hóa, tiến bộ, nên nay phải đẩy nhanh biến đất nước thành công nghiệp, đô thị… Trong khu vực thì hiện Việt Nam trễ hơn so với Malaysia… nên phải thúc lên. Theo tôi nghĩ đó là đương nhiên.

Nhưng câu chuyện rắc rối ở chỗ các chính sách, chiến lược, đầu tư, phát triển nông thôn … và chế tài không nghiêm. Bây giờ nhiều nhóm lợi ích họ lợi dụng việc lấy đất, làm hại nông dân. Có xã nhân danh việc xây dựng khu công nghiệp mới, khu đô thị mới họ đã lấy hằng trăm héc ta đất.

Thật ra xây dựng cũng có; nhưng người ta lợi dụng để tham nhũng, lấy phần trăm quá nhiều khiến cho nông dân thiệt hại. Giá đền bù bèo bọt, lợi ích của người nông dân không được bảo vệ trong khi tiến hành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Gia Minh: Đầu tư công nghiệp hóa cho nông thôn thế nào, thưa ông?

GS Tô Duy Hợp: Về vấn đề này tôi không nắm vững con số công bố; nhưng nói thật khó tin những con số công bố chính thức lắm. Nhưng tôi biết được về đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ năm 2010 dự kiến đến 2020. Quốc hội cũng đang đánh giá lại đầu tư công trong xây dựng nông thôn mới. Hiện người ta qui định ra một phần ngân sách Nhà Nước, một phần của doanh nghiệp, một phần vay tín dụng, một phần của người dân. Thế nhưng hiện chủ yếu vẫn là ngân sách Nhà Nước, nguồn đầu tư lên đến 60-70%.

Qua thực tế đi một số xã, một số điểm điển hình, (như đã trả lời phỏng vấn của Tạp chí Văn Hóa Nghệ An) tôi không dám khái quát toàn quốc, nhưng tôi thấy thực chất đó là chuyện đổi đất lấy cơ sở hạ tầng mà thôi. Tức là cho phép bán đất- đất mà họ cho là ‘đất thừa, đất kẹt’, để chuyển thành tiền xây dựng điện, đường, trường, trạm…
Giá đền bù bèo bọt, lợi ích của người nông dân không được bảo vệ trong khi tiến hành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. GS Tô Duy Hợp

Hiện nay nguồn lực cơ bản nhất là bán đất. Nhiều nơi người dân bất bình về chuyện bán đất đó lắm. Vì đất bị lấy mà không đền bù theo giá thị trường, trong khi cả nước đang chuyển qua thị trường rồi… Đúng là nông dân đang thiệt. Lý thuyết là dựa vào công-nông; nhưng trên thực tế nông dân đang thiệt hại rất lớn. Bất cập này hằng ngày rất đau xót.

Gia Minh: Có ý kiến nói phải sửa đổi luật đất đai may ra mới có thể cải thiện được tình hình. Giáo sư thấy luật đất đai liên quan đến quyền lợi của người nông dân thế nào?

GS Tô Duy Hợp: Từ năm 2008, Đảng ra nghị quyết nông nghiệp- nông dân- nông thôn; rồi sau đó có chương trình xây dựng nông thôn mới. Đã có ý kiến và hiện nay ý kiến của các nhà khoa học và các nhà quản lý trái chiều nhau rồi. Giới quản lý vẫn kiên trì ruộng đất là sở hữu toàn dân, Nhà Nước quản lý. Như thế là tiếp tục cứ bỏ ngỏ cho tham nhũng và nông dân thiệt hại mà không ai cứu nông dân được cả.

Trong khi đó giới khoa học (bản thân tôi cũng có ý kiến về góc độ xã hội học), và giới kinh tế có nhiều người lắm như ông Lê Đăng Doanh, đương kim Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên, ông Đặng Kim Sơn cũng công khai quan điểm phải trả lại ruộng cho người nông dân, tư hữu đất đai. Khi đó người ta mới xóa được đói, giảm được nghèo. Người ta mới có quyền bảo vệ lợi ích của người ta. Bây giờ nông dân nào mà chống lại là bị phạt nặng, rất là khó.

Theo tôi quan điểm tư hữu hóa ruộng đất là quan điểm đúng. Quan điểm sở hữu toàn dân là không đúng. Thực chất có sở hữu nào đâu, mà là sở hữu Nhà Nước. Điều này giới khoa học nói lâu rồi, mà giới quản lý không chịu nghe. Cuộc chiến này chắc còn dài dài.

Phát triển không đồng đều


044_B87826026-200.jpg
Một nông dân đang đi trên con đê. AFP photo

Gia Minh: Mục tiêu cuối cùng là giúp cho người dân, nông dân có thể sống được trên mảnh đất của họ, thoát khỏi đói nghèo. Đã có đầu tư nhiều chương trình nói là giúp cho họ, kết quả xóa đói giảm nghèo tại các khu vực nông thôn ra sao?

GS Tô Duy Hợp: Kết quả đó các tổ chức nước ngoài có đánh giá, hiện nay tại hội thảo các nhà đầu tư đang đánh giá tiếp. Về vấn đề này nhìn một cách đại thể, theo thống kê trung bình, thì công cuộc xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam sau hơn 20 năm đổi mới có thành tích, so với tương quan của các nước trong khu vực. Tôi nghĩ người ta khen ngợi có cơ sở.

Thế nhưng các tổ chức quốc tế và kể cả chúng tôi ở góc độ khoa học để khảo sát thì có những mặt trái rất lớn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo này. Thứ nhất là ‘không bền vững’. Cứ hình dung hai bờ sông: bờ bên này còn nghèo và bờ bên kia ‘thoát nghèo’, thì như họ mới vừa sang bên kia bờ thôi. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế hiện đang có rất nhiều vấn đề mà theo nhiều nhà kinh tế nhận định là đang bên vờ vực thẳm của sự suy sụp, nên người nghèo có khi còn nghèo hơn trước. Tính không bền vững này được các tổ chức quốc tế khẳng định rồi.

Thứ hai là người giàu được hưởng lợi nhiều hơn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo này. Rất tiếc do chính sách của Việt Nam, kể cả chính sách an sinh, những người thu nhập cao lại hưởng lợi rất nhiều trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Bây giờ mà đi đến những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, thấy tội lắm. Họ chẳng hưởng được bao nhiêu, chả giải quyết được vấn đề gì cả. Bất công này do hệ thống vĩ mô. Cuối cùng lại rơi vào vùng đồng bằng, vùng đô thị lớn, quốc lộ…
Rất tiếc do chính sách của Việt Nam, kể cả chính sách an sinh, những người thu nhập cao lại hưởng lợi rất nhiều trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. GS Tô Duy Hợp

Chứ còn công cuộc cải cách, đổi mới ở Trung Quốc, cải tổ ở Liên Xô là câu chuyện mang tính hai mặt, rất phức tạp. nếu nói được cũng có một số mặt được, nhưng những cái không được ‘kinh hoàng’ lắm.

Gia Minh: Không bền vững, và ngay cả trong một vùng cũng không ‘đều’?

GS Tô Duy Hợp: Vâng, không đều. Tội cho vùng sâu, vùng xa và nhất là vùng dân tộc. Việt Nam có 54 dân tộc. Người Kinh chỉ một, còn lại 53, và 50 dân tộc còn lại chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa hết.

Chương trình 135 rất quí, dành cho các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Nhưng kết quả theo người dân công khai nói là chương trình 5-3-1; nghĩa là Nhà Nước được 5, địa phương được 3, người dân chỉ được 1 mà thôi. Tương quan này quá bất cập, quá bất công mà lúc nào cũng nói ‘vì dân, do dân’… Phức tạp như vậy đó.

Gia Minh: Cám ơn Giáo sư về cuộc nói chuyện vừa rồi.

Theo:  RFA

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More