6/6/12

Kiến nghị sớm sửa đổi quy định về đất đai



TTO - Quốc hội dành trọn ngày làm việc hôm nay 5-6 để thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Hiện vốn cho tam nông mới đáp ứng được 60% nhu cầu. 


Theo chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, việc khống chế hạn điền trong sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại điều 70 của Luật đất đai đã ảnh hưởng quá trình tích tụ ruộng đất... - Ảnh tư liệu (mang tính chất minh họa)
Công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập



Về nội dung quy định của Luật đất đai, theo chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, việc khống chế hạn điền trong sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại điều 70 của Luật đất đai đã ảnh hưởng quá trình tích tụ ruộng đất để tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh lớn có điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho nông nghiệp.          
Quy định liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập trong việc giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng đất; giữa quyền của Nhà nước (đại diện sở hữu toàn dân về đất đai) khi thực hiện thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế và quyền của người dân; sự khác nhau giữa mức đền bù của các dự án, do giá đất khác nhau giữa các địa phương liền kề; chính sách, giá bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất luôn thay đổi... là những vướng mắc chưa được tập trung xử lý có kết quả.
Theo quy định của pháp luật hiện nay, địa phương khi thu hồi đất của các doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng sử dụng không đúng mục đích, chuyển nhượng, cho thuê trái pháp luật hoặc thu hồi đất của các doanh nghiệp thuê đất mà không thực hiện dự án thì phải tiến hành đền bù, bồi thường tài sản doanh nghiệp đã đầu tư trên đất nhưng ngân sách địa phương không có khả năng, không có nguồn kinh phí.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai, cụ thể là xem xét sửa đổi theo hướng tăng thời hạn giao đất nông nghiệp, tăng hạn mức sử dụng đất nông nghiệp, quy định chặt chẽ, cụ thể, rõ trách nhiệm hơn về bảo vệ đất trồng lúa, thu hồi đất nông nghiệp, việc bồi thường, hỗ trợ và chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống của người dân có đất bị thu hồi; giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo...
Về huy động vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết sau khi Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) được ban hành, mức đầu tư cho lĩnh vực này đã tăng lên rõ rệt. Trong giai đoạn 2009-2011, mức đầu tư khu vực này tăng lên theo từng năm, tổng vốn đầu tư bố trí cho lĩnh vực này trong ba năm là 286.212 tỉ đồng, bằng 52,3% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, gấp 1,95 lần so với trước khi có nghị quyết (giai đoạn 2006-2008). 
Đáng chú ý, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn rất thấp và có xu hướng giảm dần, từ tỉ lệ 8% trong tổng cơ cấu FDI của cả nước năm 2001 giảm xuống còn 1% năm 2010. Tính chung cả thời kỳ 1990-2010, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mới thu hút được khoảng 738 dự án (không kể các dự án chế biến thực phẩm) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,3 tỉ đôla, chiếm 2,3% trong tổng số vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy hầu hết các bộ, ngành, địa phương đều thiếu vốn cho nhu cầu đầu tư phát triển của ngành, địa phương. Ông Nguyễn Lâm Thành (ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc) cho rằng mặc dù Nhà nước đã chú trọng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhưng nhu cầu thực tế rất lớn (thực tế mới chỉ đáp ứng được khoảng 55-60% nhu cầu).
Vì vậy chưa phát huy hết tiềm năng trong nông nghiệp, nông thôn, chưa tương xứng với tỉ lệ dân số Việt Nam gắn với nông nghiệp, nông thôn.
Đáng chú ý, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn rất thấp và có xu hướng giảm dần, từ tỉ lệ 8% trong tổng cơ cấu FDI của cả nước năm 2001 giảm xuống còn 1% năm 2010. Tính chung cả thời kỳ 1990-2010, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mới thu hút được khoảng 738 dự án (không kể các dự án chế biến thực phẩm) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,3 tỉ đôla, chiếm 2,3% trong tổng số vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Ông Nguyễn Văn Sơn (giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng: “Trong bối cảnh khó khăn kinh tế, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, chính địa bàn nông thôn, nông nghiệp đã che chở cho chúng ta. Do vậy cần có cơ chế, chính sách để nguồn vốn đầu tư vào tam nông nhiều hơn nữa”.
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành sớm hoàn thành công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch các vùng, các sản phẩm, các lĩnh vực thế mạnh của địa phương. Xác định những vùng nông thôn trọng điểm về sản xuất, lưu thông hàng hóa để tập trung đầu tư hạ tầng thu hút các nhà đầu tư đầu tư trực tiếp cho sản xuất, chế biến nông sản, hàng hóa công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, đặc biệt đầu tư phát triển công nghiệp chế biến ‘‘sâu” tạo ra nhiều hơn giá trị gia tăng đối với sản phẩm hàng hóa nông nghiệp. Thiết lập hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công, thực hiện công khai  thông tin về hoạt động đầu tư công, trong đó có hoạt động đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
V.V.THÀNH

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More