Theo Điều b, Văn bản số 2250, ngày 28/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ, thì Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xử lý đối với các trạm thu phí khác (trừ các trạm thu phí hoàn vốn dự án BOT) trong tháng 1/2013.
Từ trạm thu phí “nhà nước” thành trạm BOT
Theo Hợp đồng BOT ký giữa Công ty CP BOT Vietracimex 8 với Cục Đường bộ Việt Nam thì sau khi dự án BOT đường tránh TP.Vĩnh Yên đi vào khai thác, Trạm thu phí Bắc Thăng Long -Nội Bài (bao gồm cả trạm chính và trạm phụ) sẽ được sử dụng để thu hồi vốn và tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Thực hiện dự án, Bộ Tài chính và Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương sử dụng Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài để thu phí phục vụ xây dựng dự án BOT đường tránh Vĩnh Yên và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Vì vậy, ngày 25/8/2009 Bộ GTVT đã có Quyết định 2465/QĐ-BGTVT, chuyển giao toàn bộ Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài, bao gồm cả con người và cơ sở vật chất cho Công ty CP BOT Vietracimex 8 quản lý và thu phí.
Trong thời gian xây dựng dự án đường tránh TP.Vĩnh Yên, Công ty CP BOT Vietracimex 8 vẫn thu theo dự toán được Bộ Tài chính phê duyệt và nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Trong quyết định chuyển giao Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài cho Công ty BOT Vietracimex 8, Bộ GTVT cũng quy định rõ, sau khi quốc lộ 2, đoạn đường tránh TP.Vĩnh Yên hoàn thành và đi vào hoạt động, số tiền thu phí sử dụng đường bộ của trạm thu phí này sẽ được sử dụng để hoàn vốn cho dự án.
Dự kiến thời gian thu phí hoàn vốn và tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư dự án BOT đường tránh Vĩnh Yên là gần 17 năm. Tính đến quý IV/2012, Công ty CP BOT Vietracimxe 8 mới thực hiện thu phí được khoảng 2 năm, bằng khoảng 1/8 thời gian thu hồi vốn dự kiến.
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phương án… trái luật
Thế nhưng, từ ngày 1/1/2013 khi quy định về thu phí bảo trì đường bộ có hiệu lực, các trạm thu phí đường bộ do Nhà nước đầu tư phải “dẹp” để tránh “phí chồng phí” đối người chủ phương tiện và người tham gia giao thông. Vì vậy, Bộ GTVT đã có phương án sắp xếp lại các trạm thu phí trình Thủ tướng Chính phủ và ngày 28/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn 2250/TTg-KTN đồng ý với phương án sắp xếp lại các trạm thu phí do Bộ GTVT trình.
Theo Văn bản số 2250, Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc Bộ GTVT dừng thu, xóa bỏ các trạm thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách nhà nước và trạm thu phí trả nợ vay và chỉ đạo. Đặc biệt, tại Điều b Văn bản số 2250, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT “chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xử lý đối với các trạm thu phí khác (trừ các trạm thu phí hoàn vốn các dự án BOT)”.
Phản ứng trước “ý tưởng” xóa bỏ Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài của Bộ GTVT, Công ty CP BOT Vietracimex 8 cho rằng đề xuất của Bộ GTVT là trái với Văn bản số 2250 ngày 28/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Vì, tại Mục 2 của Công văn số 2250 đã ghi rõ chỉ xử lý đối với “các trạm thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách nhà nước, các trạm thu phí sử dụng đường bộ trả nợ vay”. Đồng thời, Bộ GTVT chỉ được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xử lý đối với các trạm thu phí khác (trừ các trạm thu phí hoàn vốn các dự án BOT).
Ngoài ra, đề xuất xóa bỏ Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài của Bộ GTVT cũng trái với Hợp đồng BOT số 37/CĐBVN-HĐ.BOT ký ngày 14/8/2007 giữa Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục Đường bộ Việt Nam) và Công ty CP BOT Vietracimex 8. Theo Công ty CP BOT Vietracimex 8, việc thực hiện quản lý và thu phí tại Trạm thu phí Vĩnh Thanh và Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài là trên cơ sở thoả thuận theo Hợp đồng với Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cơ quan trực thuộc Bộ GTVT, đã được Chính phủ đồng ý và tất cả các cơ quan, ban ngành có thẩm quyền thuộc Trung ương và địa phương chấp thuận.
Căn cứ theo Điều 13 và 14 của Hợp đồng BOT số 37/CĐBVN-HĐ.BOT ký ngày 14/8/2007, Tổng cục Đường bộ Việt Nam không có quyền đơn phương áp đặt việc điều chỉnh nội dung hợp đồng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhà đầu tư.
Theo Công ty CP BOT Vietracimex 8, tính đến nay, nhà đầu tư mới chỉ khai thác Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài được hơn 2 năm, chưa đủ 1/8 thời gian thu phí để hoàn vốn và tạo lợi nhuận. Về đề nghị của Bộ GTVT về việc gộp Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài vào Trạm thu phí trên quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, phía Công ty đã tiến hành tính toán các phương án tài chính của dự án theo đề xuất của Bộ GTVT.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các dự án như đường trục tâm đô thị mới Mê Linh - đấu nối tại km19+500 QL2, Dự án đường Nguyễn Tất Thành - đấu nối km14+120 QL2, Dự án đường trục trung tâm Vinaline Vĩnh Phúc - đấu nối km21+587 QL2 và Dự án đường xuyên Á nên không đảm bảo phương án tài chính để thu hồi vốn cho Dự án xây dựng quốc lộ 2 đoạn tránh TP.Vĩnh Yên.
Mặt khác, do sự suy thoái của kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, việc tăng giá cước đường bộ như đề xuất của Bộ GTVT là không khả thi, không được Bộ Tài chính ủng hộ. Việc tăng giá cước cũng bị UBND tỉnh Vĩnh Phúc kịch liệt phản đối tại cuộc họp về việc xử lý Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài do Bộ GTVT chủ trì.
Đề xuất của Bộ GTVT có thể khiến nhà đầu tư bị phá sản. Vì vậy, nhà đầu tư khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ cần xem xét và bảo vệ nhà đầu tư trước “đề xuất trái luật của Bộ GTVT” và bảo vệ niềm tin của doanh nghiệp trong việc thực hiện các dự án BOT xây dựng hạ tầng giao thông, không để chính sách tiền hậu bất nhất, đẩy doanh nghiệp vào những rủi ro như đề xuất của Bộ GTVT.
Bình Minh - Việt Hưng: http://phapluatvn.vn/nhipcaucongly/201305/NdT-duong-tranh-TPVinh-yen-keu-cuu-truoc-de-xuat-cua-Bo-GTVT-2077671/
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét