12/5/13

Trần Gia Phụng: Chung quanh việc bỏ thi môn Sử năm nay

Trần Gia Phụng (Danlambao) - Đã qua rồi thời kỳ che giấu, bóp méo, xuyên tạc lịch sử để tuyên truyền cho chế độ CS. Những tuyên truyền xuyên tạc lịch sử không còn hiệu nghiệm. Một khó khăn lớn lao là viết sai các môn khác thì có thể sửa đổi dễ dàng, nhưng viết sai, xuyên tạc lịch sử một cách có hệ thống thì rất khó điều chỉnh. Người ta có thể sửa đổi tương lai chứ không ai có thể sửa đổi quá khứ. Ngày nay, CSVN không còn lợi dụng lịch sử để tuyên truyền được nữa, mà lại còn bị phản ứng ngược, có hại cho CS. Phải chăng vì vậy bộ GD-ĐT được lệnh bỏ thi môn lịch sử năm nay để chờ đợi tìm kiếm lối thoát?...

*
1. Quyết định bỏ thi môn Sử năm nay
 
Ngày 29-3-2013, Bộ Giáo Dục - Đào Tạo Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam công bố quyết định về các môn thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, theo đó sẽ không thi môn lịch sử.
 
Đây là một quyết định hết sức quan trọng chẳng những trong việc học hành mà cả về phương diện chính trị vì ai cũng biết chủ nghĩa cộng sản (CS) rất chú trọng đến ngành sử học. Các ông tổ CS đã xây dựng cả một hệ thống duy vật sử quan để giải thích sự biến chuyển của lịch sử nhân loại, sự phát triển của xã hội loài người. Cộng sản Việt Nam (CSVN) tất nhiên rất chú trọng đến duy vật sử quan và đặc biệt chú trọng đến lịch sử cận và hiện đại, từ khi Hồ Chí Minh gia nhập đảng CS Pháp năm 1922 cho đến ngày nay.
 
Cộng sản thành lập nhiều tổ chức chuyên môn nghiên cứu lịch sử do đảng CSVN điều khiển, như Ban Nghiên Cứu Lịch Sử Đảng, Viện Sử Học, Hội Khoa Học Lịch Sử, Viện Lịch Sử Quân Sự Việt Nam... Ở mỗi địa phương, còn có ban Nghiên Cứu Lịch Sử địa phương.
 
Cộng sản sử dụng lịch sử và môn lịch sử ở trường học làm phương tiện tuyên truyền với dân chúng, nhồi sọ học sinh về chủ nghĩa CS, về lý thuyết Mác-Lê, về Đệ tam Quốc tế CS, về các lãnh tụ CS, nhất là Hồ Chí Minh, về phong trào CS thế giới và Việt Nam, về công cuộc phát động quần chúng đấu tranh giai cấp, từ đấu tranh chính trị tiến tới võ trang khởi nghĩa giành chính quyền...
 
Để tuyên truyền, CSVN không ngần ngại sửa đổi, bóp méo lịch sử Việt Nam một cách bài bản, có hệ thống theo nhu cầu chính trị của đảng CSVN, bịa ra những sử liệu giả để lừa dối quần chúng. Vì vậy, các sách lịch sử CS hay sách giáo khoa môn lịch sử CS phải do những đảng viên CS soạn.
 
Vì tính cách quan trọng về chính trị của môn học lịch sử, nên chắc chắn bộ GD-ĐT không dám và không thể tự mình quyết định việc bỏ thi môn lịch sử năm nay, mà quyết định nầy phải phát xuất từ một cấp cao hơn, như ban Tuyên giáo (Tuyên truyền, giáo dục) Trung ương đảng CSVN, ban Văn hóa tư tưởng Trung ương đảng CSVN, hay ban Bí thư Trung ương đảng CSVN, và ngay cả bộ Chính trị đảng CSVN. Như thế, phải có một lý do quan trọng hoặc chưa giải quyết được nên lãnh đạo CSVN mới quyết định bỏ thi môn lịch sử năm nay.
 
Việc bỏ thi môn lịch sử ở trung học năm nay kéo theo nhiều hệ lụy cho môn lịch sử trong các năm kế tiếp, ví dụ sang năm học 2013-2014, có thi môn lịch sử hay không? Thi hay không thi đều phải báo cho học sinh biết từ đầu năm học để học sinh lo học thi. Học mà không thi thì học làm gì? Nếu không thi mà bắt buộc phải học, chắc chắn học sinh chẳng những không học mà còn kiếm cách trốn học giờ lịch sử.
 
Giả thiết như sang năm học mới, bộ GD-ĐT ra lịnh thi lại môn lịch sử, thì việc buộc học sinh học lại giờ lịch sử cũng sẽ rất khó khăn, bởi vì các em sẽ tiếp tục nghi ngờ tự hỏi có thi hay không mà học? Học cho mệt rồi không thi thì sao?
 
Một vấn đề nữa là môn lịch sử các lớp dưới sẽ như thế nào? Học hay không học? Học sinh Việt Nam hiện nay trong nước nổi tiếng là kém môn lịch sử vì các em không chịu học môn nầy. Sau vụ bộ GD-ĐT bất ngờ bỏ thi môn lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp trung học năm nay, chắc chắn môn lịch sử sẽ bị xem thường hơn nữa, xuống cấp hơn nữa.
 
Cuối cùng, chúng ta thử tưởng tượng một đất nước mà từ trên xuống dưới không học môn lịch sử của nước mình thì sẽ như thế nào? Công dân không biết lịch sử nước mình thì chuyện gì sẽ xảy ra? Lúc đó lấy gì để rèn luyện lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, tự hào tổ quốc? Điểm đáng nói, trên thế giới ngày nay, không có một nước nào mà học sinh không học môn lịch sử nước mình cả. Và cũng không có nước nào trên thế giới mà học sinh không thi tốt nghiệp môn lịch sử nước mình như Việt Nam năm nay.
 
2. Giáo khoa là pháp lệnh
 
Nói đến thi cử là nói đến giáo dục. Giáo dục ở đây là giáo dục của chế độ CSVN. Nói đến giáo dục CSVN là phải nói đến ba phạm trù quan trọng: 1) Giáo dục phục vụ nhân dân, phục vụ chính trị tức phục vụ chế độ. 2) CS chủ trương giáo dục con người trở nên “hồng hơn chuyên”, tức đào tạo con người nặng tính đảng, biết vâng lời đảng CS, hơn là giỏi chuyên môn, biết tự do suy nghĩ. 3) Sách giáo khoa là pháp lệnh; giáo viên bắt buộc phải giảng dạy theo đúng sách giáo khoa, không được đi ra ngoài giáo khoa. Học sinh cũng chỉ học đúng theo giáo khoa, không bàn cãi những gì không nằm trong giáo khoa. Chủ trương nầy nằm trong chính sách độc tài toàn trị của CSVN.
 
Trong nền giáo dục phục vụ chính trị, ngoài giờ chính trị (học về chủ nghĩa CS), thì môn lịch sử liên hệ nhiều đến chính trị, nhất là lịch sử cận và hiện đại liên hệ đến hoạt động của đảng CSVN, nên chủ trương “giáo khoa là pháp lệnh” càng được áp dụng triệt để với môn học lịch sử trung học. Giáo viên và học sinh dứt khoát không được ra khỏi sách giáo khoa. Những bộ giáo khoa sử CS có những đặc tính sau đây:
 
Thứ nhất, ứng dụng duy vật sử quan, các sách sử CS giải thích rằng đấu tranh giai cấp là động lực làm cho xã hội biến chuyển và tiến bộ, nên các sách sử CS rất chú trọng đến việc đấu tranh giai cấp. Do ảnh hưởng của Mao Trạch Đông, CSVN luôn luôn đề cao vai trò của nông dân, mà CS xem là giai cấp tiên phong trong các cuộc cách mạng xã hội Việt Nam. Hầu như những biến động trong lịch sử Việt Nam đều được các bộ sử CS gán cho nhãn hiệu nông dân, kể cả nhà Tây Sơn cũng được gọi là nông dân khởi nghĩa, trong khi thực chất gia đình nầy sống bằng nghề buôn trầu giữa miền núi và miền đồng bằng, và Nguyễn Nhạc là một viên chức thâu thuế của chúa Nguyễn ở rừng núi Tây Sơn.
 
Thứ hai, các sách sử CS luôn luôn phê phán, chỉ trích, chê trách các nền quân chủ Việt Nam là phong kiến, đàn áp, bóc lột nhân dân và nông dân Việt Nam. Đặc biệt các bộ sử CS lên án nặng nề và kết tội triều đại nhà Nguyễn, quan chức nhà Nguyễn là đã bán nước, đầu hàng Pháp, làm tay sai và bù nhìn cho Pháp... Ngoài ra, các bộ sử nầy kết án các chính thể Quốc Gia Việt Nam, Việt Nam Cộng Hòa, công chức và quân nhân hai chính thể nầy là Việt gian, phản động, tay sai ngoại bang, tay sai đế quốc Mỹ...
 
Thứ ba, xuyên suốt trong các sách sử CS, các soạn giả CS luôn luôn ca tụng chủ nghĩa CS, chủ nghĩa Mác-Lê, đấu tranh giai cấp, ca tụng Hồ Chí Minh, đảng CSVN... Các soạn giả, giáo sư đại học, giáo viên trung tiểu học, học sinh đại học và trung tiểu học chỉ nghiên cứu, giảng dạy, học tập trong khung lịch sử mà Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương đảng CSVN vạch ra. Họ tự do ca tụng đảng CS, chủ nghĩa CS, tự do đả kích chế độ quân chủ, đả kích chủ nghĩa tư bản, và không được bước ra khỏi giới hạn đã định.
 
Từ khi đảng CSVN cầm quyền năm 1945, đến cuối thế kỷ 20, CSVN chỉ có một bộ thông sử duy nhất là bộ Lịch sử Việt Nam do Ủy ban Khoa Học Xã Hội soạn. Bộ nầy gồm hai tập. Tập I không đề tên tác giả, Nxb. Khoa Học Xã Hội ấn hành năm 1971, ghi ngay ở trang 2 rằng: “Sách biên soạn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy Ban Khoa Học Xã hội Việt Nam”. Sách nầy soạn lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương đến thời Pháp thuộc. Tập II do Nguyễn Khánh Toàn chủ biên, cùng 4 tác giả. Mở đầu “Lời nhà xuất bản”, có câu sau đây: “Nội dung tập II viết theo đề cương của đồng chí Chủ biên Nguyễn Khánh Toàn và được đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho những ý kiến và tư tưởng chỉ đạo.” Cả hai ghi chú nầy cho thấy CSVN rất chú trọng và kiểm soát gắt gao việc soạn thảo và viết lại lịch sử Việt Nam.
 
Ngoài Trường Chinh, Nguyễn Khánh Toàn là đảng viên CS kỳ cựu, từng theo học tại Học viện Đông phương ở Moskow (Liên Xô) từ năm 1928 đến 1931. Nguyễn Khánh Toàn là người đã du nhập triết lý giáo dục của Liên Xô vào Việt Nam là giáo dục phục vụ nhân dân, phục vụ chính trị tức phục vụ chế độ, khi ông làm thứ trưởng Bộ Giáo dục năm 1946. Lịch sử Việt Nam tập II viết về những cuộc tranh đấu chống Pháp cho đến năm 1945.
 
Vào cuối thập niên 90, xuất hiện thêm bộ Đại cương Lịch sử Việt Nam gồm ba tập do Nxb. Giáo Dục ấn hành. Tập I do GS Trương Hữu Quýnh chủ biên; tập II do giáo sư Đinh Xuân Lâm chủ biên và tập III do Phó giáo sư Lê Mậu Hãn chủ biên. Riêng tập III viết từ 1945 đến 1995, xuất bản năm 2001, hết lời ca tụng những thành quả to lớn của “cách mạng” CS, những “chiến công thần thánh” của quân đội nhân dân, ca tụng đảng CSVN tài tình, các lãnh tụ CSVN sau Hồ Chí Minh đã thống nhất đất nước (?).

Ngoài hai bộ sách trên đây, còn có vài sách sử viết về một số giai đoạn do nhu cầu của đảng CS. Dựa trên các bộ sử nầy, giáo sư, giáo viên soạn sách giáo khoa sử các lớp cho học sinh đại học và trung tiểu học. Ai được cho phép soạn thì mới được soạn và phải được kiểm duyệt thật chặt chẽ. Nếu không đúng đường lối đảng thì không được phép in, và đã lỡ in mà bị phát hiện sai trái thì bị tịch thu ngay.
 
3. Thông tin rộng mở, sự thật tái hiện

Chế độ CS là chế độ độc tài toàn trị, kiểm soát gắt gao tất cả các thông tin liên lạc. Sách vở báo chí trong nước đều viết theo chỉ thị đảng, dưới sự “chỉ đạo” chặt chẽ của ban Tuyên giáo, ban Văn hóa tư tưởng Trung ương đảng hay ban Bí thư Trung ương đảng, nhằm phục vụ chính sách, chủ trương của đảng CSVN. Các sách giáo khoa sử liên hệ đến thời sự chính trị chắc chắn còn bị kiểm soát gắt gao hơn.
 
Từ giữa thập niên 80 thế kỷ qua, một số biến chuyển quan trọng diễn ra làm cho việc tuyên truyền của CS gặp khó khăn: 1) CSVN gặp khó khăn về kinh tế nên phải dần dần đổi mới, mở cửa từ khoảng từ năm 1985 trở đi. 2) Khối Đông Âu và Liên Xô sụp đổ vào đầu thập niên 90. 3) Sự bùng nổ của mạng lưới thông tin quốc tế (Internet). Thông tin thế giới tràn vào Việt Nam qua nhiều cách khác nhau. 4) Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại càng ngày càng lớn mạnh, đưa đến ba tác động quan trọng: Gởi tiền về giúp thân nhân trong nước. Một số người Việt về Việt Nam du lịch. Người Việt Hải ngoại chuyển thông tin về trong nước. Sự giao lưu trong ngoài là cơ hội làm cho người trong nước hiểu rõ hơn tình hình đất nước. 5) Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization) ngày 11-1-2007, mở rộng giao thương với các nước trên thế giới.
 
Từ đó, tin tức, sách báo, thông tin từ nước ngoài càng ngày càng tràn ngập vào Việt Nam, nhất là qua đường Internet. Dầu CSVN hết sức cố gắng thiết lập bức tường lửa để ngăn chận, nhưng đây là công việc “lấy thúng úp miệng voi”, không thể nào ngăn chận hết các nguồn tin tức. Internet thường trực trên không gian, mọi người đều có thể truy cập nếu có điều kiện hoặc cơ hội. Máy computer và các loại máy thông tin liên lạc khác, kể các loại phone tối tân chụp hình, thâu âm, càng ngày thông dụng ở Việt Nam.
 
Các sự kiện lịch sử đã bị CS bóp méo, dối trá, bịa đặt dần dần tái hiện nguyên hình, trở lại với sự thật trong quá khứ. Từ đó những tuyên truyền, bịa đặt trong các sách sử CS hoàn toàn trở nên vô giá trị, từ những chuyện nhỏ như chuyện “đuốc sống” Lê Văn Tám, đến chuyện lớn như chuyện Hồ Chí Minh. Chẳng những không còn tuyên truyền được, mà CS cũng không còn che giấu được. Tất cả những biến cố lớn nhỏ đều được đưa lên Internet. Thậm chí tấm hình ngày 30-3-2007, công an CS bịt miệng linh mục Nguyễn Văn Lý trước Tòa án Huế, mà vẫn du lịch khắp thế giới trên Internet nhanh chóng dễ dàng.
 
Sự thật lịch sử làm cho dân chúng trong nước bừng tỉnh, nhất là giới thanh niên, sinh viên, học sinh, khiến họ hết tin tưởng ở chế độ CS, ở những tuyên truyền của CS, và ở sách sử CS cũng như giáo khoa sử CS. Đó là lý do chính khiến học sinh Việt Nam ngày nay chán học môn lịch sử. Theo phát biểu của giáo sư Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tại Lễ vinh danh học sinh đoạt giải quốc gia môn sử được tổ chức sáng ngày 5-4-2013 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), thì chưa đến 10% học sinh giỏi môn lịch sử ở bậc trung học trên toàn quốc chọn học môn lịch sử ở bậc đại học. (http://giaoduc.net.vn ngày 4-5-2013.)
 
Gần đây, lại xảy một số sự kiện càng làm cho CSVN thêm khó khăn. Đó là việc CSVN đầu hàng CS Trung Quốc, ký mật ước Thành Đô (Trung Quốc) năm 1990, rồi ký các hiệp ước nhượng đất (ải Nam Quan), nhượng biển (Vịnh Bắc Việt) cho Trung Quốc, Khi Hải quân Trung Quốc ngang ngược vi phạm hải phận Việt Nam, tấn công ngư dân Việt Nam, người Việt Nam biểu tình phản đối thì bị CSVN đàn áp, bắt bớ, tù đày. Điều nầy đi ngược với truyền thống chống Trung Quốc xâm lăng từ thời Hai Bà Trưng đến thời vua Quang Trung. Làm sao mà thanh niên Việt Nam chịu đựng được?
 
4. Vì sao bỏ thi môn sử?

Khi được tin Bộ GD-ĐT CSVN bỏ thi môn lịch sử năm nay, nhiều người nghĩ ngay đến bàn tay của Trung Quốc trong quyết định nầy, nhằm xóa bỏ lịch sử Việt Nam, làm cho người Việt mất gốc. Sở dĩ người ta nghĩ đến bàn tay Trung Quốc vì gần đây nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp, bắt giam, tù đày những thanh niêu yêu nước biểu tình phản đối âm mưu xâm lược của Trung Quốc, và nhất là mới xảy ra một hiện tượng không chấp nhận được là việc in cờ Trung Quốc trong sách học vần cho các em thiếu niên Việt Nam do cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hà soạn. Liên tưởng đến sự can thiệp của Trung Quốc tuy có phần hữu lý, nhưng chưa phải là yếu tố quyết định việc bỏ thi môn lịch sử.
 
Yếu tố chính là đã qua rồi thời kỳ che giấu, bóp méo, xuyên tạc lịch sử để tuyên truyền cho chế độ CS. Những tuyên truyền xuyên tạc lịch sử không còn hiệu nghiệm. Một khó khăn lớn lao là viết sai các môn khác thì có thể sửa đổi dễ dàng, nhưng viết sai, xuyên tạc lịch sử một cách có hệ thống thì rất khó điều chỉnh. Người ta có thể sửa đổi tương lai chứ không ai có thể sửa đổi quá khứ.
 
Ngày nay, CSVN không còn lợi dụng lịch sử để tuyên truyền được nữa, mà lại còn bị phản ứng ngược, có hại cho CS. Phải chăng vì vậy bộ GD-ĐT được lệnh bỏ thi môn lịch sử năm nay để chờ đợi tìm kiếm lối thoát? Lệnh nầy phát xuất từ cấp cao hơn bộ GD-ĐT vì bế tắc của ngành lịch sử CSVN không phải chỉ là bế tắc của bộ GD-ĐT, mà còn là bế tắc chính trị của ban Tuyên giáo, ban Văn hóa tư tưởng Trung ương đảng CSVN, hay ban Bí thư Trung ương đảng, và cả cấp cao nhất nước là bộ Chính trị đảng CSVN.
 
Bộ Chính trị đảng CSVN hiện nay (năm 2013) đang phải đối phó với quần chúng về kiến nghị đòi hỏi phải hủy bỏ điều 4 hiến pháp 1992. Nguyên văn điều 4 hiến pháp nầy như sau: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật.” (Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Những văn bản pháp quy của Nhà nước Việt Nam liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài (đến ngày 31-5-1995), 1995, tr. 13.)

Đáp lại, bộ Chính trị đảng CSVN ra lệnh cho các địa phương lấy chữ ký của dân chúng để chống lại kiến nghị trên đây. Với công an trong tay, bộ Chính trị đảng CS muốn bao nhiêu chữ ký cũng có thể có được để chống lại kiến nghị trên, nhưng điều 4 Hiến pháp 1992 có phần liên quan đến lịch sử thì dù có nhiều chữ ký cách mấy đi nữa, cũng không thể sửa được, vì lịch sử là những sự kiện đã diễn ra trong quá khứ, không trở lui được nữa.
 
Phần lịch sử đó là “... Theo chủ nghĩa Mác-Lênin”, nhưng chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị Nga vứt vào sọt rác sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991; theo “tư tưởng Hồ Chí Minh”, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là sản phẩm giả hiệu tưởng tượng, mà ngày nay ai cũng biết rồi. “Theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh” không khác gì trẻ em đi theo chú Cuội vào đêm trăng rằm. Thầy cô giáo giảng dạy điều nầy ở các lớp trung học còn ngượng miệng, huống gì là các quan lớn trong bộ Chính trị đảng CSVN như giáo sư tiến sĩ tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
 
Bỏ điều 4 hiến pháp 1992 là một việc hoàn toàn hợp lý, vì từ trước đến nay, chẳng ai cho đảng CSVN được cái quyền là “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Chuyện chủ nghĩa Mác-Lênin cũng như chuyện “tư tưởng” Hồ Chí Minh đã là chuyện cổ tích. Tuy nhiên nếu bỏ điều 4 hiến pháp 1992, nghĩa là bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin và bỏ “tư tưởng Hồ Chí Minh” thì còn gì là nền tảng ý thức hệ của CSVN? Còn gì là đảng CSVN? Ngược lại, nếu không bỏ điều 4 Hiến pháp thì đảng CS ăn nói thế nào với dân chúng? Đây là miếng gân gà khó nuốt của CSVN hiện nay.
 
Tuy chưa tìm ra lối thoát, xem ra các lãnh tụ CSVN vẫn đang còn gân. Trong điều 3 diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương đảng CSVN ngày 2-5-2013, tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng tuyên bố “tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo...” Như thế có nghĩa là “vũ như cẩn”. Vẫn như cũ thì CSVN vẫn bế tắc, vì vốn liếng ý thức hệ CS đã hoàn toàn bị phá sản, CS đang lâm vào con đường cùng.
 
Đảng CSVN gặp bế tắc ý thức hệ, đi vào con đường cùng là chuyện của đảng CSVN. Dân tộc Việt Nam là nạn nhân của CS và phải gánh chịu tai ương độc tài toàn trị của CS quá lâu, đã đến lúc phải vùng lên, tự mình cởi trói và trở lại con đường dân tộc, tự xây dựng tương lai đất nước. Chỉ khi nào đất nước tự do dân chủ, không còn chủ nghĩa CS thì Việt Nam mới có thể tiến bộ được.

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More