Triển lãm nước đá tan chảy của Trần Trọng Linh thu hút sự chú ý |
Ông Trần Trọng Linh, năm nay 34 tuổi, nói ông bị chặn không cho vào Việt Nam ở cửa khẩu Tân Sơn Nhất hồi tháng 2/2013 khi bay từ Pháp về Việt Nam cùng hai con nhỏ, một dưới hai tuổi, một hơn bốn tuổi.
Ông đã phải nhờ người thân đón hai con nhỏ về trông giúp trong khi chờ gia đình từ Hà Nội bay vào đón hai cháu vì bị buộc phải bay trở lại Pháp trong cùng ngày.
Nói chuyện với BBC hôm 7/5 từ Pháp, nghệ sỹ nói ông muốn chờ cho các con trở lại Pháp trước khi gửi kiến nghị tới Bộ Công an và Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch phòng trường hợp có những điều "không mong muốn" xảy ra với các cháu nhỏ.
Nghệ sỹ cũng cho rằng việc cấm nhập cảnh có thể do một triển lãm nước đá tan chảy từ sông Tô Lịch cùng các loại rác hai bên bờ sông trong đó có cả báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản và sách về Marx và Lenin.
Nghệ sỹ kể chuyện bị cấm nhập cảnh
Nghệ sỹ tạo hình Trần Trọng Linh kể lại chuyện bị cấm vào Việt Nam mặc dù không bị tước quốc tịch.
'Cộng Hòa Phi Lý'
Ông viết trong đơn kiến nghị mà một bản sao cũng được gửi cho BBC:
"Năm ngoái 05-04-2012 tôi có nhận lời mời từ Trung Tâm Văn Hoá Pháp tại Hà Nội làm một cuộc triển lãm sắp đặt tại địa chỉ 24 phố Tràng Tiền.
Triển lãm Thương Thuyết của nghệ sỹ Trần Trọng Linh thu hút sự chú ý của công chúng
"Trước đó trong dự án làm việc với bên Trung Tâm Văn Hoá Pháp triển lãm của tôi dự kiến mang tên:"Cộng Hoà Phi Lý".
"Nhưng trong quá trình xin cấp phép triển lãm bên phía an ninh văn hoá yêu cầu tôi đổi tên tác phẩm vì họ cho rằng tên tác phẩm "Cộng Hoà Phi Lý" là ám chỉ đến Việt Nam.
"Trước thắc mắc trên tôi có giải thích sơ qua về ý đồ tác phẩm của tôi rằng trong tác phẩm không có chủ ý nói đến nền chính trị tại Việt Nam vì trên thực tế nền cộng hoà còn gắn với nhiều quốc gia phát triển khác như: Cộng Hoà Liên Bang Đức hay Cộng Hoà Pháp,"
"Tuy vậy, trước yêu cầu của cơ quan an ninh văn hoá tôi đã phải chấp nhận thay đổi tên tác phẩm của mình là "Thương Thuyết".
"Triển lãm đã được khai mạc theo đúng dự địnhvới nội dung tác phẩm là 7 khối nước đá có tổng khối lượng là 21m3 nước thải sông Tô Lịch được đóng băng cùng với những rác thải được thu lượm bên hai bờ sông Tô Lịch.
"Kế hoạch trong triển lãm sẽ để cho 7 khối nước đá tan chảy trong môi trường tự nhiên trong vòng 5 ngày tuy nhiên, đến ngày thứ 3 thì bên an ninh văn hoá ra lệnh dừng tác phẩm mà không cho biết lý do cụ thể bằng văn bản."
Trong đơn kiến nghị, ông Linh cũng nói ông đã giải thích với phía an ninh văn hóa về ý đồ triển lãm trong các cuộc gặp sau đó.
"Tôi cũng đã trao đổi rất thẳng thắn và chân thành với bên an ninh văn hoá về những suy nghĩ và lập trường nghệ thuật của mình.
"Tôi có nói rằng: Yêu cầu mới của nghệ thuật ngày hôm nay là người nghệ sỹ phải có những nghiên cứu và thực hành nghệ thuật bày tỏ quan điểm cá nhân bằng ngôn ngữ của nghệ thuật và can thiệp trực tiếp vào đời sống xã hội.
"Cụ thể trong tác phẩm này tôi muốn đưa ra lý thuyết về "chủ nghĩa nghi vấn".
"Tôi muốn dùng thứ vật liệu mang tính không bền vững để nói đến một xã hội xây dựng theo cái nền tảng thiếu tính bền vững.
"Tôi muốn dùng thứ vật liệu mang tính không bền vững để nói đến một xã hội xây dựng theo cái nền tảng thiếu tính bền vững. Như chúng ta đã áp dụng chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam từ nhiều thập niên và chúng ta đã tự nhìn thấy những mặt hạn chế không có khả năng khắc phục."
Nghệ sỹ Trần Trọng Linh
"Như chúng ta đã áp dụng chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam từ nhiều thập niên và chúng ta đã tự nhìn thấy những mặt hạn chế không có khả năng khắc phục."
'Chân-Thiện-Mỹ'
Ông Trần Trọng Linh nói lý do gửi đơn khiếu nại là ông không rõ cấp nào được quyền cấm công dân Việt Nam vào chính nước của họ và luật pháp Việt Nam về vấn đề này ra sao.
Ngoài việc đòi giải thích rõ lý do cấm nhập cảnh và phục hồi "quyền lợi hợp pháp" của công dân, ông cũng đưa ra kiến nghị chung:
"Tôi xin kiến nghị bên an ninh văn hoá nên cởi bỏ dần những ràng buộc và quy chế đối với nghệ sỹ, giúp nghệ sỹ được tự do hơn trong việc bày tỏ chính kiến bằng ngôn ngữ nghệ thuật."
"Chúng ta đã mở cửa và chấp nhận hội nhập với thế giới nghĩa là chúng ta chấp nhận sự bình đẳng và tự do với thế giới."
"Những hiểu lầm dẫn đến những cấm đoán như trong trường hợp của tôi dễ khiến chúng ta tự tách mình ra khỏi cộng đồng thế giới với các nước văn minh, đi ngược lại quá trình tiến hoá của nhân loại,"
"Cởi bỏ được những quy định giàng buộc đối với giới văn nghệ sỹ không chỉ giúp nghệ sỹ bày tỏ chính kiến, tự do sáng tạo mà cũng sẽ giúp người dân của chúng ta được tiếp cận với nghệ thuật, hiểu được những giá trị của nghệ thuật trong đời sống, giúp con người hướng tới những giá trị Chân-Thiện-Mỹ."
Source: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/05/130508_nghe_sy_khieu_nai_toi_bo_cong_an.shtml
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét