20/5/13

Phạm Hoàng Quân: Phân tích tổng quan nguồn sử liệu Trung Hoa liên quan đến biển Đông Việt Nam

Tác giả bài viết (trái) tại hành lang Bảo tàng
Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn, ngày 28/4/2013
Dẫn nhập
Sử liệu Trung Hoa vốn là một phương diện trong việc nghiên cứu lịch sử Biển Đông, nguồn sử liệu này có điểm khá đặc biệt là cả Trung Quốc và Việt Nam đều cần phải dựa vào để lý giải nó theo chiều hướng có lợi cho mỗi nơi, có khi cùng một mẩu thông tin mà được lý giải theo hai hướng khác nhau.

Một bộ phận học giới Trung Quốc thường đưa các trích đoạn từ sách này sách kia vào các luận văn bàn về vấn đề chủ quyền lịch sử Nam Hải với tính chất là một cứ liệu có lợi cho Trung Quốc, trong khi, cũng dựa vào những đoạn văn tương tự hoặc những sách tương tự, học giới Việt Nam lại thấy ở nó có lợi cho vấn đề chủ quyền lịch sử của Việt Nam trên biển Đông. Như vậy, cuối cùng thì phải hiểu như thế nào về tập hợp các sử liệu này, phải dựa vào tiêu chí nào? Đó là những lý do cần phải có một cái nhìn tổng quan về các loại sử liệu Trung Hoa, như một bước khởi đầu cần thiết trước khi dịch giải, phân loại và phân tích nhằm ứng dụng các loại sử liệu này một cách hiệu quả. Sau một thời gian khá dài tiếp cận nhiều loại sử liệu Trung Hoa, chúng tôi thấy rằng, những sử liệu phía Trung Quốc đã đưa ra cùng với những sử liệu khác nữa mà họ chưa đưa ra hoặc cố ý không đưa ra hầu hết đều rất có lợi cho Việt Nam nếu những sử liệu này được hiểu một cách đúng đắn.
Bài viết này gồm 3 phần:
1/ Nêu và phân tích vấn đề theo hướng khái quát, đưa ra những đặc trưng, phân loại, nói về tính chất chung của nguồn sử liệu.
2/ Nêu một số sử liệu tiêu biểu nhằm minh họa cho vấn đề.
3/ Đề đạt ý kiến xây dựng một tổng tập sử liệu để phục vụ các công trình nghiên cứu.
Đây là một lĩnh vực khá rộng lớn, nhận định của cá nhân cùng những ý kiến của chúng tôi chắc chắn còn nhiều điểm hạn chế, rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp thảo luận.

I/ Đặc trưng của sử liệu Trung Hoa liên quan đến Biển Đông

Sử liệu Trung Hoa nói chung có phạm vi rất rộng lớn, nhằm tiện lợi cho việc lý luận trong đấu tranh chủ quyền và cả trong nghiên cứu, chúng tôi dựa vào đặc trưng thể loại sử liệu, phân làm 5 nhóm, gồm: chính sử, phương chí, địa đồ, du ký và các loại khác.

1/ Chính sử / ????
Chính sử (Standard Histories) là những bộ Lịch sử chính thức của những triều đại chính thống trong lịch sử Trung Quốc, nói cách khác, đây là những bộ sử chính thống (legitimate succession).

Sử liệu liên quan đến cương giới biển phần nhiều nằm trong mục Địa lý chí và Ngoại quốc truyện, một số ít rải rác trong phần Bản kỷ và tiểu sử các nhân vật.

Thuộc loại sách lịch sử chính thống nhưng không nằm trong chính sử, là các sách được xếp vào nhóm Chính thư (Zhengshu/????) và Thực lục (Shilu/????).

Chính thư (works relating to government) gồm các sách/ văn bản về chính sách pháp lệnh, điển chương chế độ, quy ước luật lệ quản lý xã hội. Nhóm sách/ văn bản chính thư bao gồm các sách Hội yếu (Huiyao/???? / collection of important documents), Thông khảo, Thông chí, Thông điển, Hội điển, các văn bản tấu nghị, chiếu lệnh. Tài liệu thuộc nhóm này được xem là quan phương chính thống.

Sử liệu liên quan đến cương giới biển phần nhiều nằm trong mục Dư địa (???? / Yudi / Administrative geography) và Tứ duệ (????/ Siyi / The neighbouring regions).

Thực lục (veritable records / a type of annalistic history) thuộc loại sử biên niên, tập hợp các ghi chép hằng ngày về những sự việc lớn nhỏ trong triều đình và các quan hệ giữa trung ương với địa phương, giữa Trung Hoa với các nước khác. Thực lục là nguồn tư liệu chủ yếu để biên soạn chính sử. Có rất nhiều sử liệu liên quan đến Đông Nam Á trong Thực lục nhà Minh và Thực lục nhà Thanh.

2/ Phương chí /????

Phương chí, hoặc gọi Địa phương chí (local gazettteers), về đại thể, có thể chia làm 3 loại: 1/ tổng chí ?? ??, còn gọi nhất thống chí ???y?? (comprehensive gazetteers/ chép về cả nước); 2/ thông chí ????, còn gọi tỉnh chí (gazetteers of provinces/chép về một tỉnh); 3/ địa phương chí ?????? (chép về phủ, sảnh, châu, huyện, hương, trấn…).

Sử liệu liên quan đến cương giới biển nằm trong các mục dư đồ, cương vực, quan ải, thủy đạo, binh sự, hải phòng (phòng vệ bờ biển); sử liệu liên quan đến các nước xung quanh khu vực nằm trong mục ngoại chí hoặc tạp lục. Vài trường hợp nằm rải rác trong các mục khác.

3/ Địa đồ/???D

Địa đồ (map/ atlas) là bức vẽ xác định vị trí địa lý, hình thế. Trong nghĩa tiếng Trung Quốc xưa và nay, địa đồ khác với bản đồ (???D domain; household registers and maps), bản đồ được hiểu là sổ bộ hộ tịch có kèm theo bức vẽ đất đai tương ứng (lưu ý, khác với cách dùng từ bản đồ ở Việt Nam)

Về nội dung hoặc chủ đề có thể phân thành 4 nhóm: A/ địa đồ hành chánh; B/ địa đồ giao thông; C/ địa đồ quân sự; D/ các loại địa đồ khác.

Đa số địa đồ thuộc loại hành chính và quân sự mang tính chính thống.

Rất nhiều địa đồ có nội dung giống nhau hoặc tương tự nhau, do tình trạng sao chép nhiều lần dẫn đến mặt chữ địa danh bị sai lạc, nhất là đối với tên phiên âm các địa danh ngoài Trung Hoa trên những địa đồ khu vực và địa đồ hàng hải.

Sử liệu liên quan đến cương giới biển phần nhiều nằm trong địa đồ thuộc các loại Hành chính, địa lý, quân sự, hàng hải.

4/ Du ký/?[??

Du ký (travel abroad) được nói đến ở đây là những ghi chép thực tế về địa lý phong thổ các nơi ngoài Trung Hoa. Loại ghi chép này xuất hiện rất sớm, từ thời Tam Quốc (220-280).

Tuy được xếp vào loại sách du ký, nhưng trên thực tế có nhiều tác giả không trải qua thực địa mà ghi chép theo lời thuật lại, hoặc tổng hợp từ nhiều sách có trước, loại này chiếm hơn nửa phần.

Một số du ký mang tính quan phương nhưng đa số du ký là ghi chép tư nhân, trong cả hai loại này, có nhiều trường hợp đã trở thành tài liệu nguồn cho các sách chính thống.

Ngày nay, nhiều tác phẩm du ký giữ địa vị quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử quan hệ quốc tế.

Du ký là loại sách được các học giả Trung Quốc ngày nay khai thác sử liệu nhiều nhất đối với các vấn đề liên quan đến chủ quyền lịch sử Nam Hải (biển Đông Nam Á).

5/ Các loại khác

Ngoài bốn nhóm chính nêu trên, sử liệu liên quan cũng nằm trong các loại sách Võ bị, Hàng hải, Loại thư, Kinh điển, Ngôn ngữ, Thi văn tập…

Võ bị (????), là loại bách khoa quân sự (military technology/ military equipment),

Hàng hải (????), tức các loại sách chỉ nam hàng hải, thường được gắn các tiêu đề Châm lộ, Châm kinh, Châm thư (needle guides), một số được đính kèm hải đồ, một số chỉ là bản viết mô tả.

Loại thư (????), là loại sách biên chép theo cách phân loại sự vật (classified matters / classified books), gần với tính chất bách khoa thư (encyclopaedia) ngày nay.

Ngoài ra còn có một số sử liệu nằm trong vài sách thuộc Kinh bộ (Sách kinh điển khoa giáo chính thống như tứ thư, ngũ kinh, ngôn ngữ học), và vài thi văn tập v.v. Số này tuy không nhiều và không liên quan trực tiếp đến vấn đề nhưng có giá trị bổ túc hoặc so sánh, đối chứng.

Nhìn chung, 5 nhóm sử liệu nêu trên có ba đặc điểm:

a/ được ghi chép lâu đời và khá đều đặn
b/ chép rộng hơn thực trạng đất đai quốc gia
c/ dễ gây nhầm lẫn về hiện trạng địa lý cương vực

II/ Tổng quan về thực trạng, số lượng sử liệu và sử liệu tiêu biểu

1/ Thực trạng và số lượng sử liệu:

Về nội dung
Thông tin từ sử liệu được sao chép rộng trên nhiều thể loại, thí dụ như chính sử do mang tính tổng hợp nên phải lấy thông tin chi tiết từ các bộ địa phương chí, địa phương chí lại đã từng thu thập thông tin bên ngoài từ các sách du ký. Mặt khác, các tác giả du ký khi viết về đối tượng địa lý trước mắt nhiều khi cũng nói rộng hơn về lịch sử đối tượng, lúc này buộc họ phải sao chép phần lịch sử từ các du ký trước đó hoặc các địa phương chí hoặc chính sử v.v. Thực trạng này dẫn đến rất nhiều sử liệu mang thông tin có nội dung giống nhau hoặc gần giống nhau.

Về văn bản.
Được bảo tồn khá tốt, còn giữ được một số bản in sớm trong thời Tống, nhiều nhất là các bản in thời Thanh. Các bản in cổ này được lưu giữ ở nhiều nơi, trong và ngoài Trung Quốc, khoảng 5 phần 10 đã được số hóa theo cách ảnh ấn, giữ nguyên trạng thái bản gốc.

Trong lịch sử, nhiều sách được nhân bản thường xuyên qua các đời, ngoài nhân bản riêng lẻ còn nhân bản theo cách nhập vào các tùng thư (series of books), cho nên nhiều sử liệu mang thông tin trùng lặp.

Từ thời Thanh trở về trước, văn bản sai biệt do những người sao chép đối với bản chép tay và do thợ khắc bản đối với bản in, các trường hợp này hầu hết là do sơ ý hoặc sơ suất không cố ý.
Thời đương đại lại có thêm sự sai biệt văn bản do sự chuyển hóa nội dung từ bản in cổ sang bản gõ chữ điện tử, chấm và ngắt câu sai, nhiều trường hợp sai lệch là do sự cố ý của một số học giả khi trích dẫn sử liệu.

Về số lượng
Tổng số sách khoảng hơn 200 tựa thuộc năm nhóm có chứa các sử liệu liên quan đến việc nghiên cứu lịch sử biển Đông.

Số địa đồ có khoảng 180 bức lớn nhỏ các loại, trong đó, địa đồ độc lập in khổ lớn khoảng hon 50 bức, số còn lại là các địa đồ khổ nhỏ in thành tập hoặc in phụ lục trong các sách thuộc 5 nhóm.

2/ Sử liệu tiêu biểu.
Một vài sử liệu tiêu biểu như các Địa đồ trong sách Gia Khánh trùng tu nhất thống chí; [bỏ] Chỉ dụ của hoàng đế Đạo Quang vào năm 1830 chép trong Thanh Thực lục, Chỉ dụ đề ngày Nhâm Dần, tháng 11 năm Đạo Quang thứ 12, nhằm ngày 20 tháng 1 năm 1833. Nguyên Chỉ dụ này do Đạo Quang gửi cho Nội Các về việc chỉ đạo phòng chống cướp biển, lời văn trong tờ dụ có đoạn xác định rõ hải giới phía nam Trung Hoa; Lời dẫn cho phần Địa lý chí trong Thanh sử cảo vv. là những bằng chứng cụ thể và nhất quán, chúng đều mang tính chính thống nên chúng ta có thể phối hợp để làm sáng tỏ vấn đề phạm vi hải giới Trung Hoa thời nhà Thanh.

III/ Kết luận

Sử liệu Trung Hoa có số lượng nhiều và phong phú đa dạng, chúng nằm tản mát trong nhiều nhóm/loại thư tịch. Hầu hết sử liệu đều có giá trị trong nghiên cứu, ở góc độ liên quan đến địa lý khu vực, chúng ta có thể khai thác được rất nhiều trong những vấn đề giao thông, thương mại, quan hệ quốc tế vùng Đông Nam Á.

Ở góc độ liên quan đến lịch sử Biển Đông, dựa vào tính chất và nội dung chân xác của sử liệu, chúng ta có thể khai thác các sử liệu này vào ba mục tiêu:

1/ Chứng minh rằng trong lịch sử từ Hán đến Thanh các quân chủ đại diện cho nhà nước Trung Hoa chưa từng xác lập chủ quyền đối với vùng biển Nam Hải, và xác định hải giới ở cực nam đảo Quỳnh Châu.

2/ Dùng các loại sử liệu liên quan để phản biện các lập luận cho rằng: "qua các nguồn sử liệu lâu đời, Trung Quốc rõ ràng đã xác lập chủ quyền toàn bộ vùng Nam Hải".

3/ Chứng minh rằng sử liệu Trung Hoa đã thừa nhận các quần đảo trên Biển Đông xưa kia thuộc vùng biển Giao Chỉ hoặc Chiêm Thành.

Để đạt được ba mục tiêu này, buộc chúng ta phải phân tích thật kỹ nội dung từng mẩu sử liệu. Nhằm tránh việc hiểu sai ý nghĩa sử liệu hoặc hiểu phiến diện đối với thông tin từ sử liệu. Trong việc này có vài điểm lưu ý:

+ Nhất thiết phải tìm văn bản có độ tin cậy tức là các bản in xưa nhất, tránh sử dụng các văn bản sử liệu đã gõ lại bản chữ điện tử.

+ Hiệu khám, tức so sánh, đối chiếu nhiều bản in của một tựa sách, để khảo chứng và đính chính các sai sót.

+ Tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của tác phẩm và lai lịch thân thế tác giả.

+ Trích lục đoạn văn hoàn chỉnh, mở rộng thông tin, xem xét mối liên đới của đoạn văn với toàn bộ tác phẩm.

+ Chú giải cẩn thận

+ So sánh với các trứ tác cùng thời kỳ, cùng đề tài.

Trong vài mươi năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã từng tổ chức thu thập sử liệu rộng khắp các vấn đề liên quan đến biển Nam Hải, nhiều công trình tổng hợp sử liệu Nam Hải với các chú giải phiến diện đã gây khó khăn, gây hiểu lầm không nhỏ trong học giới.

Để có một tổng tập sử liệu Trung Hoa về Biển Đông mang tính khách quan, chúng ta nhất thiết phải thực hiện. Đối với công việc này, chúng ta gặp khó khăn hơn so với học giới Trung Quốc, bởi vì họ chỉ tìm sử liệu tập hợp và phân loại, còn chúng ta vừa phải tìm sử liệu để tập hợp phân loại vừa phải dịch ra tiếng Việt và chú giải cho sáng tỏ, rồi lại cần phải chuyển sang tiếng Anh thật trung thực và dễ hiểu. Nhưng không thể vì khó khăn mà chúng ta không thực hiện hoặc thực hiện chậm chạp.

Trong việc sử dụng sử liệu Trung Quốc từ trước tới nay, mặc dù chưa khai thác đầy đủ nhưng phần nào đã thấy rõ các sử liệu này rất có lợi cho chúng ta trong việc chứng minh rằng trong lịch sử Trung Quốc chưa từng xác lập chủ quyền đối với vùng Biển Đông.

Tuy nhiên, khi chỉ dựa vào một phần ít sử liệu, việc lý luận sẽ thiếu sự linh hoạt, sẽ khó khăn trong việc lý giải những mâu thuẫn của sử liệu, từ đó việc kết luận cũng khó thể mạnh mẽ, các khiếm khuyết này sẽ được khắc phục một khi sử liệu các loại được khai thác toàn diện.

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More