24/5/13

Luật Luật Sư và những bất cập


Hoàng Công Minh (LCST) - Hoạt động nghề nghiệp của Luật Sư góp phần bảo vệ công lý, nhằm xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Họ - những luật sư – hành nghề một cách độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật và khách quan. Nói chung, người luật sư sử dụng các biện pháp hợp pháp và ôn hòa để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng. Vì vậy mà nói, sự tham gia của luật sư sẽ làm minh bạch hóa quy trình tố tụng, bảo vệ công lý. Bất cứ cơ quan tố tụng chân chính nào cũng phải tôn trọng hoạt động nghề nghiệp của luật sư, không được gây khó dễ cho họ khi hành nghề. Nếu đi ngược với nguyên tắc trên, thì đó là một hệ thống Tư Pháp sai trái và lạm quyền.
Không ít luật sư ở Việt Nam bị đe dọa tham gia phiên tòa, không được cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng hoặc bị tước thẻ hành nghề chỉ vì không vừa ý của nhà cầm quyền. Sự thực ngược đời này đã vi phạm nghiêm trọng “Luật Luật Sư” của chính họ làm ra. Vì rằng, ngay tại khoản 2 điều 9 Luật Luật Sư cũng có quy định “Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của luật sư”.
Khi hành nghề, người luật sư chỉ sử dụng những kiến thức về pháp luật của mình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, bảo vệ công lý. Vì thế họ không hề đe dọa gì đến nền an ninh quốc gia hay gây nguy hại cho chế độ. Nếu là một nền Tư Pháp minh bạch và dân chủ, thì người luật sư luôn được tôn trọng và bảo vệ. Do đó về mặt nguyên tắc, người luật sư không phải chịu bất kỳ sự cản trở và gây khó khăn từ bất cứ cơ quan tố tụng nào. Không khi nào và ở đâu, những hoạt động nghề nghiệp ôn hòa và hợp pháp của luật sư lại có thể bị coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội và an ninh quốc gia. Việc nhà cầm quyền Việt Nam và các cơ quan tố tụng thường xuyên sách nhiễu và gây khó khăn cho các luật sư nhân quyền là việc làm trái pháp luật và vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Cho thấy sự bất cập trong việc thực thi “Luật Luật Sư” trên thực tế.
Sự mâu thuẫn đó chứng tỏ rằng hệ thống các cơ quan tố tụng ở Việt Nam không hoạt động độc lập và khách quan, mà phải chịu sự sai khiến của đảng Cộng Sản. Hay nói cách khác, cơ quan tố tụng là hệ thống tay sai của nhà cầm quyền. Đó là nguyên nhân mà công lý không bao giờ được thực thi, vai trò của luật sư bị coi thường và xem nhẹ trong các vụ án. Các Luật sư luôn bị đặt ở vai trò thứ yếu so với cơ quan tố tụng, điều đó khiến cho họ không thể hành nghề một cách thuận lợi nhất, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng bị đe dọa nghiêm trọng.
Luật Luật Sư, sau khi quy định một số điều khoản có vẻ dân chủ và văn minh về việc hành nghề Luật Sư, thì đã có một điều khoản để “khóa” hoạt động của luật sư. Đó là quy định tại khoản 2 điều 27 Luật Luật Sư: “Luật sư được cơ quan tiến hành tố tụng cấp giấy chứng nhận người bào chữa, giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự hoặc giấy chứng nhận người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án dân sự, vụ án hành chính (sau đây gọi chung là giấy chứng nhận tham gia tố tụng của luật sư).
Ấy là chưa kể, để được cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng, người luật sư phải xuất trình hàng loạt giấy tờ cần thiết khác để chứng minh. Việc quy định như vậy đã đặt luật sư vào một địa vị pháp lý luôn thấp hơn so với những người tiến hành tố tụng. Luật cũng chưa đặt vị trí của luật sư là một yếu tố không thể thiếu được trong các quan hệ tố tụng, điều đó khiến cho quá trình xét xử thiếu tình khách quan, dân chủ và công bằng.
Cơ quan tố tụng sẽ gây khó dễ hoặc không cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho Luật Sư khi họ được quy định quyền đó. Vì rằng quan điểm luật sư không thể tương đồng với cơ quan tố tụng, nếu khi nào cũng tương đồng thì cần gì đến nghề luật sư? Đây là một bất cập lớn, cản trở tính công bằng và khách quan trong quá trình tố tụng.
Tại khoản 3 điều 27 quy định: “Thời hạn cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng của luật sư không quá 3 ngày”. Thời hạn 3 ngày này được tính kể từ khi luật sư xuất trình các loại giấy tờ chứng minh bản thân.
Để quyền và lợi ích của mình được đảm bảo, khách hàng phải có quyền gặp luật sư ngay từ khi họ phải làm việc với các cơ quan tố tụng. Việc quy định thời hạn 3 ngày để luật sư mới được cấp giấy tham gia tố tụng khiến cho việc bảo vệ quyền lợi khách gặp nhiều khó khăn. Người luật sư có quyền được biết những gì xảy ra đối với khách hàng của mình ngay từ đầu quá trình tố tụng. Đây là một quy định gây khó dễ nữa cho hoạt động của luật sư trong quá trình bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Các cơ quan tiến hành tố tụng chịu sự sai khiến của nhà cầm quyền, đó là một thực tế ở Việt Nam. Vì thế mà công lý không bao giờ hiện hữu, pháp luật bị chà đạp, quyền và lợi ích con người bị xâm phạm. Nay “Luật Luật Sư” cũng có nhiều bất cập, do đó mà hành trình đến với công lý của người dân Việt Nam thật gian khổ và chông gai, có thể nói là khó hơn việc tìm đường lên trời vậy.
24/05/2013
Hoàng Công Minh
                                                                                                       

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More