Lễ Cầu Nguyện Cho Các Thanh Niên Công Giáo Đang Bị Tù |
Khoảng 20h đêm thứ 5 ngày 18/04, hai gia đình chúng tôi đã bỏ lại sau lưng những công việc thường ngày của nhà nông như: lợn gà, trâu bò, mùa màng...để lên đường đến với những mảnh đất xa xôi, nơi mà những người con, người anh của chúng tôi đã bị ép đi “cải tạo” vì cái tội “sống thật nói thẳng và làm thật”. Với nhiệt huyết của một người trẻ nước Việt, các anh đã can đảm hy sinh cuộc đời trai trẻ để dấn thân làm chứng cho Hòa bình-Công lý và Sự thật.
Thái Nguyên xa tít mù khơi, Thanh Hóa đất cằn sỏi đá. Hai nơi này đang giam giữ 3 sinh viên gồm anh Trần Hữu Đức, Đậu Văn Dương, Chu Mạnh Sơn. Dù bị giam cầm ở hai phương trời khác nhau nhưng lòng các anh vẫn luôn hướng về nhau và luôn nhớ đến nhau trong từng giờ kinh nguyện. Chúng tôi quyết định lần này cả hai gia đình sẽ tập trung ra Thái Nguyên trước rồi mới quay lại Thanh Hóa.
Anh trai tôi Phêrô Trần Hữu Đức và anh Antôn Chu Mạnh Sơn bị chuyển ra khu 3 - Trại giam Phú Sơn 4, Thái Nguyên. Thủ tục xong xuôi, hai gia đình vào gặp anh ở phòng thăm gặp, đặt giữa phòng là một chiếc bàn dài ngăn đôi để hai bên ngồi nói chuyện nhằm ngăn cách không được lại gần nhau. Khi chúng tôi đang đứng chờ thì họ dẫn anh trai tôi ra, lần nào cũng vậy, anh chưa một lần quên quỳ gối cúi đầu chào cha mẹ cùng mọi người. Tiếp đến anh thăm hỏi sức khỏe anh em, họ hàng, Trung tâm bảo vệ sự sống, anh chị em Sinh viên, Câu lạc bộ Giáo dục Vinh, Bà con hải ngoại và tất cả mọi người đã cầu nguyện và giúp đỡ anh cách này hay cách khác...Anh dặn dò hai em Ki - Tô cố gắng học hành chăm chỉ “Học để biết cách sống, biết cách làm người, nhất là trong xã Việt Nam hôm nay”. Anh cũng không quên khuyến khích dì dượng, cô, bác cố gắng để cho các em ăn học, đừng bao giờ để các em thất học. Anh nói: Còn về phần Đức, Cha mẹ và mọi người cứ yên tâm “Quan điểm của Đức trước giờ vẫn thế không thay đổi, kể từ lúc Đức bị bắt cóc và ngay ngày đầu tiên bước chân vào trại Đức đã thẳng thắn trình bày rõ ràng quan điểm của mình và Đức sẽ sống để Cha mẹ và mọi người không phải phải thất vọng”.
Anh cho biết, anh sống chung với 23 người nữa, trong đó có 3 người Nghệ An, còn lại là người Ê- đê và Gia-rai. Anh em trong phòng rất thương nhau. Anh nói: Tất cả là nhờ hồng ân của Thiên Chúa! Đức cảm nhận được bàn tay Ngài luôn quan phòng, gìn giữ và đồng hành cùng Đức. Cứ cuối tuần là anh em có một buổi cầu nguyện chung với nhau, anh em trong này đã noi gương Chúa Giêsu để tập sống kham khổ, ăn chay cầu nguyện và hướng về phiên tòa phúc thẩm 14 anh chị em Thanh Niên Công Giáo và Tin Lành cũng như tất cả những ai đã hy sinh cống hiến vì sự nghiệp dân chủ, vì nền Hòa bình - Công lý và Sự thật. Anh còn cho biết: vừa rồi Đức có nghe thông tin về việc kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992, do đó anh em trong phòng giam cũng đã viết đơn đề nghị và đòi quyền lợi để được góp phần trách nhiệm công dân của mình, sắp tới sẽ gửi bản ký tên kiến nghị sửa đổi Hiến Pháp đó lên.
Đức khỏe và sống thoải mái lắm, cha mẹ đừng lo nhiều cho Đức mà ốm ra. Số tiền mà cha mẹ gửi cho Đức hàng tháng Đức sẽ chỉ tiêu một phần nhỏ còn lại Đức sẽ bỏ vào túi tiết kiệm rồi gửi về nhà, một phần là để giúp đỡ người nghèo, một phần là để thêm vào cho hai em học hành. Đức biết gia đình ta đang khó khăn nên cha mẹ đừng lo cho Đức cũng không cần thiết phải thăm Đức thường xuyên, xa xôi đi lại tốn kém, cứ để giành số tiền đó cho các em học hành và nếu có thì cha mẹ giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn, cụ già neo đơn, Trung tâm bảo vệ sự sống...Lúc nào Đức cần thì Đức sẽ gọi về xin.
Nói chuyện với anh thời gian trôi đi thật nhanh, anh dặn đi dặn lại “nhớ cho Đức gửi lời hỏi thăm anh em đã luôn sát cánh cùng Đức, các Mẹ ở Trung tâm bảo vệ sự sống, Thầy Chắc cùng gia đình! Cho Đức gửi lời hỏi thăm anh Dương với nhé! Đức có viết thư để gửi anh nhưng đang còn viết giở lần sau Đức gửi vậy. Đức sẽ luôn cầu nguyện và nhớ đến mọi người”.
Anh trai tôi, một con người khá cương trực và cứng rắn nhưng lại rất nặng tình cảm, anh đã khóc khi biết bà ngoại là người rất mong mỏi được gặp anh, bà đã tuổi cao sức yếu nhưng đã lặn lội đường sá xa xôi (hơn 400km) để mong được nhìn thấy mặt cháu nhưng vì bà ở một mình, tuổi già lẩm cẩm hơn nữa vì mang tâm trạng vui mừng vì sắp được gặp cháu nên bà đã quên không theo chứng minh nhân dân. Và chỉ lí như vậy mà những viên công an cai tù đã nhất quyết không cho bà vào gặp đứa cháu đang bị giam tù bất công. Bà đã phải ở lại mãi tít tận ngoài cổng trại giam.
Gia đình chúng tôi chia tay anh để ra về khi thời gian thăm nuôi đã hết trong những cái ôm chứa đầy yêu thương cùng những giọt nước mắt tự hào vì có được người con dù đang trẻ tuổi nhưng luôn kiên trung trước mọi thử thách.
Chúng tôi tiếp tục lên xe tiến về Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, nơi đang giam giữ sinh viên Antôn Đậu Văn Dương, là anh con dì của tôi. Chúng tôi tới Thanh Hóa lúc 23h30 đêm 19/4/2013 và nghỉ chân tại nhà của một người bà con. Đến 7h ngày 20/4/2013 chúng tôi ra đường đón xe đi lên khu 2 -Trại 5, thuộc huyện Lam Sơn - Thanh Hóa, 10h30 chúng tôi mới tìm đến được trại. Cán bộ trại giam ở đây rõ là nhiệt tình nếu có ‘Bác’ cùng ghé thăm! Nhưng lần này ‘bác’ không được khỏe nên các chú cũng buồn theo và vì thế nên gia đình cũng phải hòa cùng nỗi niềm đó mà chấp nhận gặp anh qua hai tấm lưới sắt dựng dọc ngăn cách hai bên.
Được gặp gia đình anh vui không tả nổi, rồi anh cũng hỏi thăm và gửi lời cám ơn đến tất cả mọi người và cũng dặn dò các em cố gắng chăm chỉ học hành. Anh khỏe hơn trước nhiều, anh có viết 2 lá thư: 1 lá gửi cha mẹ, anh em họ hàng và một lá gửi hai em Đức, Sơn đang bị giam cầm ở Thái Nguyên. Và qua những lời thăm hỏi, anh cho biết, anh F.x Đặng Xuân Diệu, 1 trong 14 Thanh Niên Công Giáo và Tin Lành đã bị kết án bất công 13 năm tù giam cũng đã bị giam giữ tại nơi này bất chấp việc anh đã làm đơn đề nghị điều tra lại toàn bộ vụ án nhưng không được chấp nhận. Anh gửi lời thăm hỏi đến mọi người và nhờ chuyển thông tin này để gia đình anh Diệu được biết.
Thời gian gặp anh Dương không được thoải mái như lúc gặp anh Đức, rồi đến lúc phải ngắt ngang câu chuyện và chia tay anh ra về.
Một chuyến đi dài gặp khá nhiều trắc trở vì gia đình gì quên mang sổ thăm gặp phải chậm lại để chờ người nhà mang ra nhưng chúng con cảm tạ Chúa vì trong mọi lúc Ngài luôn đống hành cùng chúng con. Chúng tôi cảm thấy ấm lòng hơn vì các anh luôn mạnh khỏe và đã trưởng thành hơn trong đời sống tâm linh cũng như nhận thức trước thực trạng của xã hội Việt Nam hôm nay.
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét