Ngày 11-5, những thiết bị của dự án điện mặt trời nằm im lìm trong kho của xã Chiềng Nơi - Ảnh: N.V.Hải |
Trong chuyến đi làm từ thiện ở xã Háng Đồng hồi đầu tháng 3-2013, anh Nguyễn Tuấn Linh (Hà Nội) cùng các thành viên của nhóm từ thiện “Chung tay xây lớp học” chứng kiến một đống thiết bị cho dự án điện mặt trời bị bỏ lăn lóc từ năm 2010. Sau đó không lâu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Bùi Đức Hải lại tiết lộ: ở xã Chiềng Nơi cũng có các thiết bị hiện đại, đắt tiền của dự án điện mặt trời được chuyển lên từ năm 2011, hiện đang nằm yên trong kho!
Ngày 11-5, những thiết bị của dự án điện mặt trời nằm im lìm trong kho của xã Chiềng Nơi - Ảnh: N.V.Hải
Những thùng hàng lăn lóc ở Háng Đồng
Tới xem đống thiết bị đang xếp ngoài trời, anh Linh nhận thấy có gần chục hòm gỗ đã xanh rêu mốc thếch, vênh váo, tróc lở vì mưa nắng đang để ngay bên cạnh trụ sở UBND xã Háng Đồng. Mở thử một chiếc hòm không có khóa, thiết bị vẫn còn nằm nguyên bên trong, nhìn có vẻ rất đắt tiền và tinh vi. Trên các vỏ thùng đều có ký hiệu chiếc ly và cái dù, biểu tượng của hàng hóa dễ vỡ và phải được che mưa, chống nước, nhưng các thùng này lại được bỏ ngoài trời gần ba năm không ai ngó ngàng tới. Trên nhãn của các thùng hàng vẫn còn ghi rõ người mua là Ủy ban Dân tộc miền núi (tên gọi trước đây của Ủy ban Dân tộc), bên bán là NAPS System Oy của Phần Lan, hợp đồng ký ngày 9-12-2005.
Chỉ với những dữ liệu ban đầu như vậy, trở lại Hà Nội anh Linh lên mạng tìm kiếm thông tin liên quan đến dự án điện mặt trời của Ủy ban Dân tộc và nhanh chóng giải mã được điều khó hiểu ở Háng Đồng. “Chỉ cần với từ khóa dự án năng lượng mặt trời của Ủy ban Dân tộc là tôi thấy hiện ra rất nhiều kết quả tìm kiếm. Đáng ngạc nhiên là có thông tin về việc dự án đã được nghiệm thu từ tháng 12-2012” - anh Linh nói.
Quá bức xúc, anh Linh gửi thư đến Đại sứ quán Phần Lan, nơi cung cấp vốn vay cho dự án, để trình bày những nghi ngờ của mình, đồng thời đưa thông tin về dự án ở Háng Đồng lên blog của mình.
Những bức xúc của anh Tuấn Linh bất ngờ trở thành “chất xúc tác” cho việc triển khai dự án. Chiều 5-3, nhóm từ thiện rời Háng Đồng về Hà Nội thì ngày 9-3 có người được ban quản lý dự án điện mặt trời đưa vào Háng Đồng lắp ráp và vận hành thiết bị, đến ngày 19-3 thì xong.
Gặp nhóm PV Tuổi Trẻ , ông Hờ Lao Cang, bí thư Đảng ủy xã Háng Đồng, cho biết sau nhiều lần xã kiến nghị bằng văn bản với huyện, cuối cùng thì trung tuần tháng 3, người của ban dự án thuê ông Vũ Xuân Hùng - phó trưởng Phòng giáo dục huyện Bắc Yên - vào lắp. Riêng hệ thiết bị thu - phát truyền hình vệ tinh, ban dự án hẹn sau 30 ngày sẽ đưa người vào hoàn thành nốt, nhưng đến giờ (ngày 10-5) vẫn chưa lắp. Thời điểm nhóm PV chúng tôi có mặt ở Háng Đồng, các cấu kiện nhôm của cột ăngten cao 32m vẫn... nằm phơi mưa nắng, thùng đựng bộ thu tín hiệu kỹ thuật số hiệu Tandberrg TT1222 lăn lóc ngoài trời, chỉ duy nhất thùng gỗ đựng ăngten và phụ kiện được néo bên chái nhà.
Không biết nhà thầu đi đâu!
Ngày 25-3-2013, trang tin điện tử của Ủy ban Dân tộc cho biết trong đại hội chi bộ ban quản lý dự án điện mặt trời nhiệm kỳ 2012-2015, ông Nguyễn Văn Thanh - bí thư chi bộ ban quản lý dự án điện mặt trời nhiệm kỳ 2010-2012 - trình bày dự thảo báo cáo tổng kết việc thực hiện nghị quyết đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2010-2012, trong đó nêu rõ: “Ban quản lý dự án đã tổ chức việc nghiệm thu 420 trạm điện của dự án để bàn giao cho chính quyền địa phương tiếp quản, khai thác sử dụng theo quy định và bảo đảm tiến độ”.
Trước đó ngày 3-12-2012, trong báo cáo chỉ đạo, điều hành công tác dân tộc năm 2012 và nhiệm vụ trọng tâm công tác dân tộc năm 2013 của Ủy ban Dân tộc gửi Chính phủ (do Thứ trưởng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hà Hùng ký), tại trang 6 có ghi rõ: “Dự án ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc do Phần Lan hỗ trợ được triển khai xây dựng tại 70 xã đặc biệt khó khăn, dự án đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng, cấp điện cho UBND xã, trường học, trạm xá, các hộ dân xung quanh dự án, đồng thời góp phần tham gia vào chương trình chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam thông qua việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo tự nhiên, phục vụ lợi ích cộng đồng. Hiện nay Ủy ban Dân tộc đang xúc tiến thủ tục đầu tư giai đoạn 2”.
Thế nhưng trong cuộc làm việc với Tuổi Trẻ ngày 10-5, trưởng Phòng dân tộc huyện Bắc Yên Hạng A Cheo giải thích: “Ban đầu, khi vào Bắc Yên khảo sát để thực hiện dự án điện mặt trời, có cả chuyên gia của Phần Lan. Sau đó, họ cho chuyển các thiết bị lên Háng Đồng và Hua Nhàn. Tại xã Hua Nhàn, anh Hùng (bí thư xã Hua Nhàn khi đó) đã tự lắp được. Còn tại xã Háng Đồng, năm vừa rồi (năm 2012) tôi vào thì thấy các thùng thiết bị để ở bên ngoài UBND xã, có bảo anh Cang (ông Hờ Lao Cang, bí thư xã) lấy bạt che vào cho đỡ hỏng, nhưng sau đó bạt cũng lại hỏng”. Vẫn theo ông Hạng A Cheo: “Tôi làm công văn mấy lần gửi Ban Dân tộc tỉnh để nhờ tỉnh đôn đốc chỗ Ủy ban Dân tộc. Nhưng hôm 6-5, khi anh Thanh (ông Nguyễn Văn Thanh, giám đốc ban quản lý dự án điện mặt trời của Ủy ban Dân tộc) lên Háng Đồng, tôi có hỏi thì nghe nói ban chỉ nhận được một công văn duy nhất của tỉnh Sơn La”.
Nguyên nhân chậm trễ, theo ban dự án trả lời ông Cheo, vì nhà thầu phải thi công ở nhiều địa bàn từ Cao Bằng tới Sơn La, đường sá không vào được, đi lại khó khăn, không lắp đặt nhanh được. “Họ còn bảo giờ không biết nhà thầu đi đâu rồi, không tìm được. Tôi có nói không tìm được nhà thầu thì phải thuê nhà thầu khác mà làm chứ” - ông Cheo tiết lộ.
Ông Hạng A Cheo cũng xác nhận tuy phần lớn thiết bị của dự án điện mặt trời tại Háng Đồng đã lắp đặt xong ngày 19-3, nhưng vẫn còn để lại hạng mục trạm thu - phát truyền hình vệ tinh. “Hôm đó, các anh ở ban dự án nói mặt bằng chưa có nên chưa lắp được. Sau đó lại nói cái này giao cho huyện, nhưng huyện làm sao làm được” - ông Cheo bày tỏ.
Dài cổ chờ... dự án
Chiều 10-5, trong cuộc trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ tại trụ sở UBND tỉnh Sơn La, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đức Hải cho biết tại xã Chiềng Nơi tương tự như ở Háng Đồng.
Sáng 11-5, nhóm PV Tuổi Trẻ lập tức từ TP Sơn La vượt đường rừng vào trung tâm xã Chiềng Nơi.
Ông Cầm Văn Phiên, bí thư Đảng ủy xã Chiềng Nơi, trực tiếp mở cửa nhà kho và chỉ cho các phóng viên thấy những thùng gỗ chứa các thiết bị của dự án điện mặt trời nằm “đắp chiếu” tại đây. Từng thùng thiết bị được chất chồng lên nhau, bên cạnh là những bao tải gạo, chăn màn chất đống. Phía trên những thùng thiết bị, mạng nhện giăng và bụi phủ đầy. Bên ngoài nhà, ngay trước phòng làm việc của bí thư Đảng ủy xã, các cấu kiện nhôm của cột tháp truyền hình 32m chất thành đống trên nền đất, không có bất cứ thứ gì che đậy.
Ông Cầm Văn Phiên cho biết: “Những thiết bị này được đưa lên đây từ ngày 23-5-2011, nhưng rồi họ cứ để thế đến nay, chẳng lắp đặt gì cả, hỏi nhiều lần rồi mà không có ai trả lời”. Để tránh mất mát, ông Phiên còn phải cho đưa số cáp đồng về nhà mình cất giữ.
Theo lời ông Phiên, thời điểm dự án được lập, khu vực UBND xã đã có điện lưới kéo về tận nơi (từ tháng 7-2010), do đó dự án được điều chỉnh sang lắp đặt tại ba bản gồm bản Thẳm, bản Phiêng Khôm và bản Nà Phặng, đều nằm cách trung tâm xã khoảng 16km, rất khó kéo được điện lưới. Mục đích là để phục vụ nhu cầu điện năng bức thiết cho nhân dân tại các bản vùng sâu vùng xa của xã khó khăn nhất huyện Mai Sơn. “Ở những bản này, điện nước (máy phát điện loại nhỏ dùng trên các dòng suối) cũng không đủ cho bà con dùng, dân còn khổ lắm” - ông Phiên nói.
Lãnh đạo xã Chiềng Nơi cho biết thiết bị được nhà thầu - Công ty cổ phần Cơ giới và hạ tầng (thuộc Tổng công ty Sông Hồng) - đưa lên xã, bàn giao hồi tháng 5-2011, hẹn tháng 9-2011 sẽ quay lại lắp đặt. Tuy nhiên, cho đến thời điểm 11-5-2013, ông Cầm Văn Phiên khẳng định vẫn chưa có bất cứ ai quay lại xã để triển khai lắp đặt dự án. Bản thân chính quyền xã cũng không biết đầu mối nào để liên lạc, thúc giục nhà thầu về lắp đặt.
Dự án hơn 8 triệu euro
Tháng 5-2000, Ủy ban Dân tộc và Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam cùng Tập đoàn NAPS Systems (Cộng hòa Phần Lan) thỏa thuận xây dựng dự án cung cấp điện mặt trời cho 300 xã đặc biệt khó khăn thuộc địa bàn chương trình 135 từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Phần Lan. Ngày 1-8-2003, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch mở rộng dự án “Ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam”, giao Ủy ban Dân tộc là chủ dự án.
Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án là hơn 8 triệu euro - tương đương hơn 102 tỉ đồng, trong đó 5,385 triệu euro thuộc nguồn tín dụng ưu đãi của Chính phủ Phần Lan với lãi suất 0%, thời hạn vay 17 năm (vay 12 năm và 5 năm ân hạn). Nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam đóng góp phần ngân sách là 1 triệu euro.
Lễ ký kết hợp đồng vay vốn tổ chức năm 2005. Giai đoạn 1 của dự án được thực hiện ở 70 xã đặc biệt khó khăn thuộc 20 huyện của tám tỉnh miền Trung và miền núi phía Bắc. Thời gian thực hiện từ quý 2-2009 đến quý 3-2010. Các xã này sẽ được lắp đặt đồng bộ hệ thống năng lượng mặt trời nhằm cấp điện cho trụ sở các UBND xã, trạm y tế xã, tủ bảo quản văcxin, nhà văn hóa xã (hoặc thôn, bản), trạm nạp ăcquy và trạm thu - phát tín hiệu truyền hình qua vệ tinh. Tổng mức đầu tư lên tới hơn 197 tỉ đồng (tương đương 7,9 triệu euro), trong đó vốn vay là hơn 134 tỉ đồng, vốn đối ứng hơn 64 tỉ đồng.
Theo phụ lục 1 kèm theo quyết định trên, tổng số trạm điện cần lắp đặt, thực hiện trong khuôn khổ dự án là 420 (216 cho 36 xã miền núi phía Bắc và 204 cho 34 xã miền Trung).
NHÓM PV TUỔI TRẺ (còn tiếp)
(Tuổi trẻ)
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét