21/5/13

Tín hiệu mới từ thành phần nhân sự Bộ Chính Trị?


Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản VN khóa XI bế mạc hôm 11/5 vừa qua, với kết quả có 2 tân ủy viên Bộ Chính Trị. Hòa Ái phỏng vấn Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, một nhà hoạt động chính trị, đấu tranh cho tự do-dân chủ- nhân quyền VN về sự kiện này.


Hai nhân vật mới

Hòa Ái: Xin chào Giáo sư (GS) Đoàn Viết Hoạt. Trước tiên, xin GS cho biết nhận xét chung của GS về Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành TW Đảng Cộng Sản vừa được tổ chức trong tháng 5 này?

GS. Đoàn Viết Hoạt: Nhận xét chung của chúng tôi là chắc chắn sẽ có nhiều cái mới. Tuy nhiên chúng ta không thể thấy rõ được cho đến khi có những cụ thể. Đặc biệt những nhân vật mới vào Bộ Chính Trị xem họ sẽ đóng vai trò gì trong chính quyền sau hội nghị. Và thứ hai nữa là chúng ta phải chờ cho đến khi Quốc Hội chính thức họp lại và bản Hiến pháp mới đã được sửa đổi sẽ được thông qua với nội dung như thế nào thì chúng ta mới biết rõ được. Tôi nghĩ rằng là giai đoạn tới đây phải là giai đoạn cải cách về chính trị.

Hòa Ái: Hội nghị bế mạc với kết quả có 2 tân ủy viên Bộ Chính Trị là Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch Quốc Hội- bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Về ông Nguyễn Thiện Nhân được cho là đặc biệt vì ông ấy là người đã từng du học và tốt nghiệp ở Hoa Kỳ. Dư luận cho rằng việc ông Nguyễn Thiện Nhân được đưa vào danh sách ủy viên Bộ Chính Trị là nằm trong kế hoạch sắp xếp cho vị trí thủ tướng VN, sẽ thay thế Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhận xét của GS như thế nào ạ?

GS. Đoàn Viết Hoạt: Chúng tôi có theo dõi nhân vật Nguyễn Thiện Nhân thì là người theo xu hướng cải cách và tất nhiên có lẽ dễ thân với Mỹ hơn những nhân vật khác trong Bộ Chính Trị cũng đã từng học ở Mỹ. Có thể đây là một nhân vật học ở Mỹ cao nhất và được lên cao nhất trong hệ thống chính trị hiện nay. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới đây, tôi không thấy ông Nguyễn Thiện Nhân có thể làm Thủ tướng được. Theo nhận xét của tôi thì giai đoạn tới là giai đoạn chuyển tiếp mà ông Nguyễn Tấn Dũng chắc chắn còn phải làm một số việc để dọn đường cho những nhân vật mới trong thời kỳ đại hội tới đây.

Tôi nghĩ phải tới đại hội lần tới thì chúng ta mới thấy thật sự có những cải cách rõ ràng và mới, thì lúc đó những người mới có thể lên làm Thủ tướng được. Từ đây đến đó ông Nguyễn Thiện Nhân có lẽ cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng để giúp cho tiến trình cải cách chính trị được suông sẻ và phải đi theo hướng mới, mà theo tôi nghĩ là phải nhích gần với Mỹ và dân chủ hóa, chấp nhận tự do trong xã hội. Xu hướng này thì chúng ta sẽ thấy các nhân vật mới đóng góp rất nhiều vào chuyện đó.

Hòa Ái: Còn về nhân vật thứ hai là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, theo GS vai trò của bà Ngân như thế nào trong guồng máy lãnh đạo của Đảng Cộng Sản VN hiện nay với tư cách là ủy viên Bộ Chính Trị?

GS. Đoàn Viết Hoạt: Chúng tôi cũng theo dõi lịch sử của bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Đây là lần đầu tiên chúng ta thấy đưa 1 người miền Nam mà [là giới] nữ vào Bộ Chính Trị. Tất nhiên bà Nguyễn Thị Kim Ngân như chúng tôi theo dõi thì đõ là người của ông Võ Văn Kiệt khi ông ta còn uy tín trong chính quyền, đã cố gắng đưa bà ấy lên dần. Và mới nhất, gần nhất, trước khi bà ấy làm việc ở Quốc Hội thì bà ấy là Bộ trưởng [Bộ] Thương binh-Xã hội. Và với cương vị này, chắc chắn bà ấy tiếp xúc, tiếp cận với rất nhiều các cựu chiến binh cũng như những người về hưu.

Tôi nghĩ rằng là ông Nguyễn Tấn Dũng muốn 1 người có thể đi gần với những thành phần đó. Bởi thành phần này hiện nay rất là bất mãn, bực bội về ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản hiện nay cũng như trong chính quyền. Họ bực bội vì họ cho rằng là Ban lãnh đạo đã đi ngược lại với những nguyện vọng của họ khi họ còn tham gia vào Đảng Cộng Sản.

Thứ hai nữa là chúng ta thấy hiện nay các nữ Thủ tướng ở Thái Lan rồi Hàn Quốc, bây giờ VN muốn thân cận với Mỹ thì chắc chắn phải thân cận với những nước này và phải tìm cách liên kết 1 cách dễ dàng hơn và mạnh mẽ hơn. Có lẽ vai trò của bà Ngân có thể giúp cho vấn đề tiếp cận những vị lãnh đạo của các nước đó. Và tôi nghĩ rằng nếu chúng ta nhìn thì [hãy chờ để] xem sự sắp xếp vai trò của bà trong chính phủ mới như thế nào, nhưng tôi nghĩ rằng có lẽ đó là hướng mà ban cải cách trong Bộ Chính Trị muốn đi tới.

Sẽ cải cách tới đâu?

Hòa Ái: Thưa GS, câu hỏi sau cùng là theo như nhận định của GS chia sẻ lúc nãy đến giờ thì trong kỳ họp lần tới, bản dự thảo Hiến pháp sẽ được công bố thay đổi và giai đoạn chuyển tiếp như GS nhận định thì sẽ được diễn ra nhanh chóng hay không, cũng như có mang lại kết quả làm hài lòng hơn cho người dân hay không?

GS. Đoàn Viết Hoạt: Vâng, nói về giai đoạn chuyển tiếp thì chúng ta còn khoảng 3 năm cho đến đại hội tới. Tôi nghĩ rằng đại hội tới mà Đảng Cộng Sản muốn có bứt phá, còn có được vai trò và còn sự lãnh đạo đất nước có uy tín thì đại hội tới chắc chắn họ phải chấp nhận dân chủ thôi, một cách chính thức, đó là suy nghĩ của tôi.

Thứ hai, do đó nhóm cải cách trong Bộ Chính trị hay trong Ban lãnh đạo hiện nay, kể cả trong Trung ương Đảng, muốn tạo ra một giai đoạn, có thể 2-3 năm đó để mở rộng hơn cho tự do của xã hội và của những người bất đồng ý kiến với ban lãnh đạo hiện nay, trong dân chúng cũng như trong trí thức, đặc biệt là trong thanh niên, trong giới trẻ.

Tôi nghĩ họ phải cởi mở qua 1 bản Hiến pháp tạm thời. Tôi cho đây là 1 bản Hiến pháp trung chuyển thôi. Bản Hiến pháp sửa đổi này đúng ra đã có 1 bản Hiến pháp mới rồi vì bản Hiến pháp 1992 đã sửa đến lần thứ ba cho đến nay rồi.

Nhưng vì họ chưa thể chuẩn bị tất cả các điều kiện, kể cả điều kiện nhân sự trong nội bộ cho đến điều kiện ngoài xã hội để chuyển 1 cách ôn hòa mà không gây rối loạn, có lẽ tất cả những sửa chửa hiện nay là để đóng vai trò đó thôi. Do đó chúng ta sẽ thấy có 1 số phần mà chúng ta chưa đồng ý được. Những nhà dân chủ thực sự thì chưa đồng ý được như điều 4-Hiến pháp chẳng hạn. Nó không thể tồn tại trong 1 bản Hiến pháp dân chủ được.

Nó vẫn tồn tại nhưng có thể sẽ có 1 số điều chỉnh nào đó để nó mở đường. Rồi việc lập Tòa án Hiến pháp chẳng hạn. Điều này rất tốt. Nó sẽ mở đường mạnh mẽ. Và cuối cùng là những nhân sự mới, nếu những nhân sự đó và phe cải cách mạnh lên thì mới có thể đẩy tới trong 3 năm tới được. Tôi nghĩ rằng là chúng ta phải nhìn việc sửa đổi Hiến pháp trong bối cảnh như thế. Đó vẫn là trung chuyển mà thôi. Và phong trào đòi dân chủ trong xã hội phải đẩy mạnh lên. Và phải lợi dụng tình hình này để thúc đẩy đại hội tới, Đảng Cộng Sản phải chấp nhận dân chủ, pháp trị.

Hòa Ái: Cảm ơn thời gian của GS dành cho đài ACTD.

(RFA)

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More