5/5/13

Dã ngoại nhân quyền tại Việt Nam

Nhiều người có mặt tại công viên Nghĩa Đô,
Hà Nội với biểu ngữ về nhân quyền trên tay
Nhiều người dân đã tham gia cuộc dã ngoại vận động nhân quyền vào ngày 5/5 tại ba thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và Nha Trang.

Trả lời BBC ngày 5/5, nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng nói ý tưởng này được một nhóm thanh niên trẻ khởi xướng trên mạng và được nhiều người hưởng ứng, trong đó có bản thân bà.

Cũng theo bà Hằng, hoạt động lần này có sự tham gia của nhiều người, trong đó có các giáo sư, giảng viên, cựu chiến binh và dân chúng. Một số blogger khác cũng được nhìn thấy có mặt tại nơi diễn ra hoạt động.

Các hình ảnh loan tải trên mạng xã hội cho thấy nhiều người dân xuất hiện trên các khu vực trung tâm ba thành phố nói trên với các biểu ngữ như "tự do hội họp là quyền công dân hay "trả lại tự do cho Việt Nam".

Nhiều hình ảnh cũng cho thấy những người tham gia dã ngoại phân phát Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế năm 1948 cho người dân xung quanh.

Diễn ra "thuận lợi hơn"

Mẹ Nấm: 'An ninh và công an rất đông'

Blogger Nguyễn Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm nói công an và an ninh xuất hiện rất đông trong ngày diễn ra dã ngoại vận động về nhân quyền.

Trả lời BBC tiếng Việt từ Nha Trang, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Blogger Mẹ Nấm, nói khi tới nơi hẹn thì lực lượng an ninh và công an đã có mặt rất đông và một nhóm trẻ thuộc Đoàn Thanh niên Cộng sản đã có mặt trước đó với loa và nhạc.

Blogger này cũng nói bản thân đã bị chặn và không thể đến khu vực công viên ở trung tâm để tham gia hoạt động dã ngoại.

Tuy nhiên theo Như Quỳnh nhận xét nói đã không "xảy ra căng thẳng" vì đã không tiếp tục tiến vào khu vực công viên.

Bà Bùi Thị Minh Hằng nói lực lượng công an cũng đã xuất hiện tại công viên Nghĩa Đô, Hà Nội với xe chặn sóng để giám sát hoạt động nói trên.

Theo bà Hằng, mặc dù an ninh và mật vụ xuất hiện rất đông nhưng cuộc dã ngoại đã diễn ra 'khá thuận lợi' so với các khu vực khác mặc dù cũng đã có người đến nhà 'khuyên bảo' không tham dự và có một số sự ngăn chặn trước đối với những người tham gia.

"Đoàn đã đi được một vòng xung quanh công viên Nghĩa Đô mặc dù bên ngoài hàng rào ở những đoạn tiếp giáp với đường cái, họ cho cảnh sát giao thông cấm bà con dừng lại để xem, để nghe," bà nói.

Bắt bớ

Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy nhiều an ninh chìm xuất hiện với máy quay tại nơi diễn ra buổi dã ngoại

Khác với tình hình tại Nha Trang và Hà Nội, buổi dã ngoại của nhóm ở thành phố Hồ Chí Minh diễn ra ít suôn sẻ hơn.

Các nguồn tin trên mạng xã hội nói blogger Nguyễn Hoàng Vi, Vũ Sỹ Hoàng và Quốc Anh đã bị bắt giữ trong lúc đang phân phát Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

Bà Hằng cũng nói những người này đã bị đánh đập trước khi đưa đi.

Cũng theo bà Hằng, khi đường về nhà thì nhận được tin bà Nguyễn Thị Hoa, vốn là con của một biệt động Sài Gòn và đã nhiều năm đi khiếu kiện, vì bức xúc sau nhiều năm không đòi lại được tài sản bị cướp mất nên đã tưới xăng lên người.

Tuy nhiên, bà Hằng nói tiếp: "Khi cô ta rút hộp quẹt ra thì những người người dân oan đã giữ lại được," bà nói.

"Theo nguồn tin gần nhất thì cô ta đã gặp được chị em dân oan và sức khỏe thì không có gì trầm trọng lắm, vì mọi người đã kịp can ngăn."

'Uổng công kháng chiến'

'Tự thiêu để quốc tế biết về VN'

Bà Nguyễn Thị Hoa, con của một biệt động Sài Gòn nói gia đình bị cướp đất sau ngày giải phóng và trong lúc cùng quẫn đã muốn tìm tới cái chết

Trả lời phỏng vấn BBC, bà Nguyễn Thị Hoa xác nhận nguồn tin nói bà đã tưới xăng lên người trong cuộc dã ngoại vận động nhân quyền ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 5/5.

Bà Hoa nói mẹ của bà là một biệt động Sài Gòn cũ, nhưng sau ngày thống nhất, đất đai của gia đình bà đã bị cướp.

Mẹ của bà Hoa sau nhiều năm khiếu kiện không thành công hiện đã phải nằm một chỗ và để lại trách nhiệm khiếu kiện cho con.

Tuy nhiên, bà này nói thời gian qua không những việc khiếu kiện không thành công, mà còn bị gia đình một người công an tại Bà Rịa Vũng Tàu thuê 'giang hồ' tới sách nhiễu, không cho phép kinh doanh.

"Em rất căm thù chính quyền. Chính quyền này không coi gia đình em ra gì hết. Uổng bao nhiêu công sức mẹ em đã bỏ ra kháng chiến, bây giờ gia đình em lại như thế này," bà Hoa nói trong nước mắt.

"Lúc họ tới đập phá, em có nhân chứng hết, nhưng lúc em đưa nhân chứng ra, họ lại không chấp nhận, mà lại đưa đồng bọn ra làm nhân chứng."

"Rồi họ còn cho em làm thành phần phản động, chống phá nhà nước."
Trả lời về hành động của mình lúc tưới xăng lên người, bà Hoa nói do ngày hôm nay đã quá quẫn trí, và bà đã mong rằng hành động của mình sẽ là "tiếng chuông cảnh tỉnh cho quốc tế về tình trạng bất công ở Việt Nam hiện nay".
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/05/130505_human_right_display_vn.shtml

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More