Hình Thư (LCST) - Trong bất cứ Bộ Luật nào, các khái niệm nền tảng đều phải được quy định
minh bạch để tránh sự hiểu lầm. Dựa trên những khái niệm đó mà các tội danh
được áp dụng, tạo nên mối quan hệ nhân – quả rõ ràng. Bất kỳ khái niệm mơ hồ
nào được đưa vào Luật đều trái với tinh thần đúng đắn và khoa học. Khái niệm “Chính quyền nhân dân” trong Bộ Luật
Hình Việt Nam cho thấy sự vi phạm nghiêm trọng tinh thần đó, khi họ căn cứ để
áp dụng những tội danh nặng nề cho người yêu nước.
Tại điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam có một tội danh gọi là: “Tội hoạt
động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Mức hình phạt cho tội này thấp nhất là
5 năm, và cao nhất là tử hình. Rõ ràng đây là một tội nặng, vậy thì “Chính
quyền nhân dân” là gì mà khi chống đối nó người ta phải chịu hình phạt nặng nề
như vậy? Về câu chữ thì không khó hiểu lắm, vì có lẽ ai cũng hình dung ra được
“Chính quyền nhân dân” là chính quyền của nhân dân. Mà đã là chính quyền của
nhân dân thì phải do dân bầu ra một cách hợp pháp và minh bạch. Đó là thông qua
một cuộc bầu cử tự do – dân chủ, với sự tham gia đầy đủ của các thành phần đảng
phái. Nhưng ở Việt Nam, bầu cử chỉ là một trò hề hình thức do đảng Cộng Sản độc
tôn dàn dựng. Tuyệt nhiên không hề có một chút tính dân chủ trong đó, người dân
không có vai trò gì cả. Khái niệm “Chính quyền nhân dân” là mơ hồ và vô căn cứ,
không phản ánh đúng thực chất nội dung vấn đề. Vì vậy không thể có một tội danh
nào để gọi là “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ấy là chưa kể
trên thế giới, chẳng thấy ai quy định cấm người dân chống lại cái chính quyền
do mình tạo nên cả, một khi nó quay lại áp bức và bóc lột nhân dân.
Có thể nói, khái niệm “Chính quyền nhân dân” đã bị người ta cố tình
đánh tráo để tạo nên sự hiểu nhầm trong một bộ luật. Để từ đó tạo nên những tội
danh vô căn cứ nhằm kết tội những người yêu nước chân chính, những người thực
thi quyền giám sát của mình đối với chính phủ. Việc truy tố người dân vì đã
chống lại đảng Cộng Sản với tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân
dân” là phi lý và mơ hồ, là đàn áp những người bất đồng chính kiến. Thế nên,
việc kết tội nhân dân đã “Chống chính quyền nhân dân” là không có căn cứ để
định tội. Ngay cả trong Hiến pháp cũng không quy định cụ thể thế nào là “Chính
quyền nhân dân”.
Tại mục a, khoản 1, điều 88 Bộ Luật Hình sự còn có một tội danh gọi là
“Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”. Từ một khái niệm
“Chính quyền nhân dân” mơ hồ, giờ đây người ta tiến thêm một bước nữa, đó là
cấm mọi người dân xuyên tạc và phỉ báng chính quyền. Rõ ràng đây là sự vi phạm
nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm của người dân. Nhà nước
Cộng Sản đã cụ thể hóa điều đó thông qua một điều luật Hình sự, thật là trắng
trợn và dã man. Họ ngang nhiên vị phạm những quy định trong “Tuyên ngôn nhân
quyền quốc tế”.
Mọi người dân đều có quyền lên tiếng chỉ trích và phản đối những hoạt
động hay đường lối của chính phủ mà họ cho là sai lầm hay vi Hiến. Họ không thể
bị kết tội khi thực thi quyền sơ đẳng và căn bản nhất của một người công dân.
Người dân lập ra chính phủ, họ có quyền chống lại và lật đổ khi chính quyền đó
đi ngược lại những lợi ích của bản thân mình. Vì thế mà thật là nực cười khi
nhà nước Việt Nam cấm người dân của mình chống lại “Chính quyền nhân dân”. Ấy
là chưa kể đó chỉ là khái niệm lừa bịp của nhà nước, trên thực tế không có một
“Chính quyền nhân dân” nào thực sự hiện hữu tại Việt Nam cả.
Vì vậy mà nói, việc quy kết cho người dân những tội danh hình sự khi họ
có những hoạt động chống lại “Chính quyền nhân dân” là sự vi phạm nghiêm trọng
quyền con người của nhà nước Việt Nam. Đảng Cộng Sản đã sử dụng một khái niệm
mơ hồ đó để cấm đoán người dân của mình thực thi các quyền tự do - dân chủ.
Chúng ta nên nhớ rằng, điều 19 Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế quy định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và
bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do quan điểm mà không bị xen vào quấy
rầy và được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi
phương tiện truyền thông bất kể biên giới”.
Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế áp dụng cho mọi thành viên tham gia ký
kết, trong đó có Việt Nam.
15/5/2013
Hình Thư
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét