Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Hảo bên mớ giấy tờ chứng minh họ đúng nhưng không ai thèm xem xét. (Hình: Tiền Phong) |
Bài báo có tựa đầy đủ là “Chán nản, một cựu chiến binh xin ra khỏi Đảng”, được tờ Tiền Phong đăng hồi giữa tuần vừa qua, rồi “tự ý đục bỏ” mà không hề giải thích tại sao.
Theo bài viết vừa kể thì ông Nguyễn Thanh Hảo là một thương binh, bị thương trong một trận chiến với lính Trung Quốc. Sau khi giải ngũ, ông trở về quê (xã Minh Hợp, huyện Qùy Hợp, Nghệ An). Tại đó, ông được cấp một miếng đất để làm nhà. Kiếm chưa đủ tiền để làm nhà thì chính quyền địa phương “xin lại” miếng đất đã cấp để mở… “chợ trâu bò”.
Ba năm sau, ông Hảo tự bỏ tiền túi, mua lại một căn nhà tranh ba gian. Gia đình ông cư trú yên ổn tại đó trong 13 năm. Năm 2003, người hàng xóm cho rằng ông Hảo đã lấn của ông ta 2 mét chiều ngang mặt đường nên tổ chức phả bỏ hàng rào, dựng hàng rào mới, chiếm của ông Hảo 2 mét chiều ngang mặt đường. Ông Hảo khiếu nại.
Nhà cầm quyền từ huyện tới tỉnh thẩm tra, kết luận, những chứng cứ mà người hàng xóm trưng ra (các văn tự mua bán đất), lấy đó làm cơ sở để tự phá bỏ hàng rào, chiếm của ông Hảo 2 mét chiều ngang mặt đường đều là giả. Tuy nhiên ông Hảo chỉ “thắng” trên giấy tờ. Trong thực tế, người hàng xóm vẫn không trả lại đất.
Ông Hảo kêu cứu nhiều nơi, trong nhiều năm, song các “đồng chí” của ông không thèm đoái hoài.
Thất vọng, cả ông Hảo và vợ (cũng là đảng viên CSVN), cùng làm đơn xin ra khỏi Đảng CSVN.
Trong thực tế, có rất nhiều đảng viên CSVN đã công khai tuyên bố từ bỏ đảng này. Một số vốn là những nhân vật được nhiều người biết như: anh em ông Huỳnh Nhật Hải (Phó Chủ tịch thành phố Đà Lạt kiêm Thành ủy viên Thành ủy Đà Lạt), Huỳnh Nhật Tân (Phó Giám đốc Trường Đảng tỉnh Lâm Đồng kiêm Ủy viên dự khuyết Tỉnh ủy Lâm Đồng), ông Phạm Đình Trọng (cựu đại tá quân đội CSVN), ông Nguyễn Chí Đức (người bị một sĩ quan an ninh đạp vào mặt khi tham gia biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội),…
Một số do uất ức vì bị chèn ép như những nông dân có đảng tịch ở Văn Giang, Hưng Yên,… Song số lặng lẽ rời bỏ Đảng CSVN mới là đáng kể.
Hồi tháng 6 năm 2012, nhân sự kiện bà Đặng Thị Hoàng Yến, đại biểu Quốc hội CSVN bị bãi nhiệm vì đã cố tình không nhận là đảng viên CSVN, khi khai lý lịch ứng cử, ông Đinh Văn Quế, cựu Chánh Tòa Hình sự của Tòa án Tối cao, có viết một bài với tựa là "Tự ra khỏi Đảng lặng lẽ”, gửi cho tờ Pháp Luật TP.HCM.
Trong bài, ông Quế cho biết, chuyện đảng viên CSVN “tự ra khỏi Đảng”, bằng cách “không nộp giấy chuyển sinh hoạt Đảng, hồ sơ đảng viên cho tổ chức Đảng nơi mà đảng viên được giới thiệu đến sinh hoạt” rất phổ biến trong nhiều giới như: công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước. Cán bộ, nhân viên các tổ chức xã hội. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng công an và quân đội.
Ông cựu thẩm phán này nhận định: “Đó là hình thức tự ra khỏi Đảng “trong sạch” và dễ dàng nhất mà nhiều đảng viên đang áp dụng”. Theo ông, thực trạng đó là do: Bây giờ, một bộ phận đảng viên không còn thiết tha với Đảng nữa. Khi hai chữ “đảng viên” không còn có tác dụng đối với họ thì họ tự ra khỏi Đảng
(Người Việt)
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét